Thời điểm hành động

14:55, 12/12/2012

Những hối thúc về việc tiếp tục cải cách và thậm chí không chỉ là đưa ra kế hoạch, mà còn là những hành động cụ thể để thực hiện kế hoạch ấy, đang tiếp tục được các nhà tài trợ, các đối tác phát triển nhấn mạnh tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG 2012).

Thực ra, nỗi quan ngại mắc bẫy thu nhập trung bình không còn là điều mới mẻ, song tại CG 2012, một lần nữa, các đối tác phát triển đã tập trung đề cập. Tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó, nổi bật là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu… cũng là chủ đề xuyên suốt các phiên thảo luận ở CG. Chưa bao giờ, những hối thúc từ cộng đồng các nhà tài trợ về một sự cải cách triệt để nền kinh tế, lại mạnh mẽ và quyết liệt đến thế.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam còn dùng cả cụm từ lặp “hành động, hành động và hành động” để nhấn mạnh về sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn cho tái cấu trúc nền kinh tế.          

Thậm chí, vị đồng chủ tọa của CG 2012 còn khẩn thiết kêu gọi Việt Nam sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, bởi thời gian thì đang cạn dần, nguyên nhân ngày càng sâu xa hơn và rủi ro thì càng lớn hơn. Và rằng, nếu không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình, với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội..

Đúng là, Việt Nam đã vượt qua được rất nhiều khó khăn, thách thức để từ một nước nông nghiệp lạc hậu, với thu nhập bình quân đầu người chỉ 140 USD/năm (năm 1992) lên gần 1.600 USD/năm vào năm 2012, song nếu thẳng thắn nhìn nhận, thì tiến trình cải cách của Việt Nam đang chậm dần. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thậm chí đang giảm dần. Hay chỉ đơn cử kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, với ba ưu tiên là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính - ngân hàng, dù đã có những kết quả bước đầu, song cho tới nay, ngay cả đề án tổng thể cũng chưa được thông qua.

Việt Nam cũng đã xác định trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, sẽ thực hiện 3 đột phá chiến lược (gồm thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực), nhưng để nói rằng, đã thực sự có những hành động mang tính đột phá để “3 mũi giáp công” này trở thành đột phá chiến lược hay chưa, thì là chưa.

Vẫn có những chậm trễ nhất định trong tiến trình cải cách của Việt Nam. Hoàn toàn đúng đắn khi các đối tác phát triển Việt Nam hối thúc Việt Nam phải hành động, hành động và hành động, nếu không muốn tụt hậu và muốn trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Nhận thức rõ những yếu kém nội tại của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi phát biểu tại CG cũng đã khẳng định, đã đến lúc Việt Nam phải hành động. Và thực ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã hành động, đang hành động và sẽ hành động.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống càng khó khăn càng đoàn kết, càng khó khăn càng biết cách để vượt qua. Song vào thời điểm này, điều quan trọng hơn là những hành động cụ thể, không đơn thuần chỉ là những cam kết.