Yên Bái tích cực vận động và sử dụng hiệu quả vốn ODA

15:59, 11/12/2012

Dự kiến, trong năm 2013, Yên Bái tiếp nhận và triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển chính thức ODA, với tổng trị giá 500 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiềm năng đa đạng

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, nằm ở trung tâm vùng núi và Trung du Bắc Bộ, với dân số trên 750.000 người thuộc 30 dân tộc, Yên Bái có vị trí quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng.

Với địa hình đặc thù, Yên Bái có lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến gỗ, các sản phẩm từ lâm nghiệp, cây công nghiệp, trong đó chè, quế là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Về khoáng sản, Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú về chủng loại, với 257 mỏ và các điểm mỏ chứa nhiều loại quặng, kim loại phục vụ các ngành năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng... Yên Bái có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt vùng du lịch hồ Thác Bà, vùng chè cổ thụ Suối Giàng, bình nguyên xanh Khai Trung, các khu suối nước nóng cùng nhiều khu di tích lịch sử khác...

Về khu công nghiệp, theo quy hoạch trong giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trên địa bàn Yên Bái có 5 khu công nghiệp do tỉnh quản lý, với tổng diện tích là 1.182 ha và 19 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với tổng diện tích 1.100 ha tại các huyện và TP. Yên Bái.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2012

Năm 2012, trong số 32 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, tỉnh đã đạt và vượt 28 chỉ tiêu, trong đó có 9 chỉ tiêu về kinh tế, 17 chỉ tiêu về xã hội và 2 chỉ tiêu về môi trường, các  chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn và tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.

Các chỉ tiêu dự ước đạt và vượt mục tiêu là thu nhập bình quân đầu người, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 272.817 tấn (trong đó có 198.330 tấn thóc), tổng đàn gia súc chính tăng 3,86% so với năm 2011, trồng mới được 15.017 ha rừng sản xuất…

Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 của tỉnh không đạt kế hoạch do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, như thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp, hàng tồn kho nhiều… Tỷ lệ chi phí trung gian trong ngành công nghiệp - xây dựng tăng cao, giá trị tăng thêm đạt thấp, dẫn đến tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt thấp so với dự báo.

Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh không đạt kế hoạch do vốn đầu tư giải ngân cho các công trình đạt thấp.

Nhiều mục tiêu lớn cho giai đoạn từ nay đến năm 2015

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Yên Bái đặt ra các mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13,5%/năm, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; nông - lâm nghiệp lần lượt là 41% - 34% - 25% vào năm 2015; 45% - 37% - 18% vào năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm khoảng 34.000 tỷ đồng

Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng trở lên; tổng sản lượng lương thực có hạt  là 275.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 7.400 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD; tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn là 1.700 tỷ đồng.

Đến năm 2015, Yên Bái cố gắng tạo thêm 18.000 việc làm mới, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo là 45%. Một số chỉ tiêu khác là, năm 2015, tỷ lệ che phủ của rừng tại Yên Bái đạt 63,5%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 85%, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch là 75%...

Đề cao vai trò quan trọng của vốn ODA

Đại diện UBND tỉnh Yên Bái cho biết, một trong những nhân tố quan trọng trong kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Yên Bái trong thời gian tới là những nguồn lực từ bên ngoài, trong đó phải kể đến những chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 26 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, trong đó có 11 chương trình, dự án do địa phương quản lý và 15 chương trình, dự án do bộ, ngành Trung ương quản lý. Tổng giá trị khối lượng thực hiện năm 2012 ước đạt 422 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 278 tỷ đồng. Giải ngân năm 2012 ước đạt 414 tỷ đồng, trong đó vốn ODA ước đạt 250 tỷ đồng, vốn đối ứng 164 tỷ đồng.

Các nguồn lực tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các chương trình, dự án, như Dự án Giảm nghèo giai đoạn II tỉnh Yên Bái sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Cải tạo nâng cấp đường xã Trạm Tấu – Xà Hồ, huyện Trạm Tấu sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái sử dụng vốn vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc...

Trong năm 2012, Yên Bái đã vận động thành công việc huy động vốn cho 2 dự án quan trọng gồm:

Thứ nhất, Dự án Cải thiện hệ thống y tế cơ sở tỉnh Yên Bái giai đoạn I (2012-2013) do Tổ chức Atlantic Philanthropies (Mỹ) tài trợ, với tổng vốn đầu tư là 105 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD). Trong đó, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Atlantic Philanthropies là 52,5 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu  xây mới 33 trạm y tế thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở và cải thiện điều kiện sức khỏe cho người dân.

Thứ hai, Dự án Đường nối Quốc lộ 70 với Trung tâm xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (xây mới hơn 3,5 km đường giao thông cấp III) sử dụng nguồn vốn kết dư Chương trình Tín dụng chuyên ngành JICA SPL VI với tổng vốn đầu tư 27,775 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của JICA là 17,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng của tỉnh, các ngành, địa phương vẫn còn thiếu cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, nên dẫn đến tình trạng thiếu chủ động, sáng tạo trong công tác vận động viện trợ. Việc kiểm tra, đôn đốc và giám sát triển khai thực hiện các dự án ODA, các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm trong thực hiện các thủ tục tiếp nhận viện trợ. Một trong những nguyên nhân chính là do địa bàn thực hiện dự án tập trung chủ yếu ở các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, thông tin liên lạc và giao thông đi lại còn rất hạn chế...