Sẽ có thêm những động lực đáng kể cho nền kinh tế, khi một loạt dự án hạ tầng quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản được khởi công, hoặc đưa vào khai thác trong năm nay.
“Lễ khánh thành các gói thầu xây lắp của Dự án Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải , cảng biển nước sâu lớn nhất ở phía Nam có thể đón được tàu 100.000 DWT do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức vào ngày 24/1”, ông Phạm Duy Khánh, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85, cho biết.
Khởi công xây dựng từ tháng 10/2008, Dự án Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới 13.900 tỷ đồng, gồm 5 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu xây lắp do các liên danh nhà thầu Việt Nam – Nhật Bản thi công đã cơ bản hoàn thành vào đầu tháng 1/2013.
Mặc dù còn phải đợi 5 – 6 tháng nữa để các nhà thầu hoàn thành gói thầu lắp đặt thiết bị cảng, nhưng ngay từ bây giờ, Dự án đã có những đóng góp trực tiếp vào hoạt động của cả nhóm cảng biển số 5 thuộc khu vực Cái Mép – Thị Vải. Theo đó, ngay khi gói thầu số 3 - nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải hoàn thành từ tháng 1/2011, Ban quản lý dự án 85 đã bàn giao luồng tuyến huyết mạch này để Cục Hàng hải Việt Nam đưa vào khai thác sớm.
“Trong thời gian qua, tuyến luồng này đã được vận hành rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chuyến tàu tải trọng trên 100.000 DWT vào làm hàng thuận lợi tại một số cảng ở khu vực Cái Mép”, ông Khánh cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, việc hoàn thành đúng tiến độ Dự án Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải sẽ giúp giảm bớt ách tắc, tồn đọng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các cảng khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các cảng biển nằm trong nội thành TP.HCM.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguyên tắc việc giao Tập đoàn hàng hải hàng đầu Nhật Bản – Nippon Yusen Kaisha (NYK) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là nhà khai thác cảng container Cái Mép; Công ty Cảng Sài Gòn là nhà khai thác Cảng tổng hợp Thị Vải.
“Dự án đã rất thành công trong vai trò vốn mồi để thu hút vốn đầu tư tư nhân và kinh nghiệm của các nhà khai thác hàng hải nước ngoài”, TS Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đánh giá. Trước đó, ngay khi Dự án này được công bố đầu tư vào năm 2006, hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ hàng trăm triệu USD để đầu tư vào các cảng container khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại khu vực phía Bắc, Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có TMĐT 10.004 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đang trong giai đoạn tăng tốc về đích với việc thảm bê tông nhựa cho 4 km đường thuộc Gói thầu PK2 và PK1A.
“Nếu duy trì được tốc độ thi công này, chúng tôi sẽ hoàn thành Dự án vào trước ngày 31/12/2013”, ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc PMU2, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Để đón những lợi thế từ tuyến cao tốc này, các địa phương dọc tuyến đường đang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để kêu gọi vốn vào các cụm công nghiệp.
Không chỉ riêng Dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, với ưu thế về sự chủ động của nguồn vốn, các dự án hạ tầng có quy mô lớn sử dụng vốn vay JICA đang trong giai đoạn thi công như Nhà ga T2 Nội Bài; Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây... Bộ GTVT đang thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hấp thụ tối đa dòng vốn quý giá này.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, tính đến đầu tháng 1/2013, tiến độ triển khai và chuẩn bị 11 dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản có TMĐT gần 74.200 tỷ đồng cơ bản bám sát tiến độ đề ra.
“Hạ tầng giao thông sẽ vẫn là mũi nhọn ưu tiên về ODA Nhật Bản. Năm nay, vốn ODA dành cho Việt Nam tương đương với số vốn cam kết năm ngoái, tức là khoảng 2,7 tỷ USD”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki khẳng định.
Theo Bộ GTVT, mới đây JICA đã chấp thuận với đề xuất của bộ này về việc “chốt” thời điểm khởi công 4 dự án giao thông lớn trong nửa đầu năm 2013 là Dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (TMĐT 18.627 tỷ đồng); Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện (TMĐT 11.849 tỷ đồng); Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (TMĐT 31.000 tỷ đồng, JICA tài trợ 634 triệu USD); Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (TMĐT 27.968 tỷ đồng, JICA tài trợ 673 triệu USD).
“Cùng với việc rốt ráo tìm nguồn vốn đối ứng và tích cực vận động, phối hợp với địa phương để sớm bàn giao đủ mặt bằng, Bộ GTVT quyết tâm tạo một cú hích lớn về tiến độ cho các dự án ODA Nhật Bản, bởi những công trình này không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, mà còn trực tiếp góp phần vào sự phục hồi của kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá.