Đánh thức tiềm năng điện gió

13:52, 06/01/2013

Sau khi Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn cuối cùng vừa được đưa vào khai thác, Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong tương lai. Các nguồn năng lượng mới, trong đó có điện gió, có thể là sự bù đắp cần thiết cho nhu cầu phát triển. Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) trao đổi về vấn đề này.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360 MW, gấp hơn 200 lần Thủy điện Sơn La (2.400 MW). Thế nhưng, không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, do suất đầu tư cao, giá mua điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại thấp?

 

Đúng là suất đầu tư vào điện gió cao. Vì vậy, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, bên mua điện (EVN hoặc các đơn vị được ủy quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (7,8 UScents/ kWh), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, cao hơn giá bán điện bình quân hiện nay (1.437 đồng/kWh) với thời gian 20 năm. Bên bán điện có thể kéo dài thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới với bên mua điện. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho EVN đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió 1 UScents/kWh thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

 

Để phát triển điện gió, việc xác định giá mua - bán điện giữa EVN với các nhà máy điện phù hợp là một phần, nhưng phần quan trọng hơn là phải sử dụng nhiều chính sách ưu đãi khác.

 

Đúng vậy. Theo tôi, cần cho phép dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu. Thuế suất và chính sách miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió áp dụng như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

 

Ngoài ra, dự án điện gió, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia cũng phải được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư…

 

Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhâp doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng. Theo ông, có nên quy định cụ thể việc ưu đãi đối với điện gió vào trong 2 luật thuế này?

 

Để “đánh thức tiềm năng điện gió” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, tôi nghĩ rằng, cần phải quy định cụ thể việc cho phép các dự án điện gió được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và quy định điện gió thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc chịu thuế 0% vào Luật thuế Giá trị gia tăng.

 

Nếu áp dụng các chính sách khuyến khích như trên, khả năng phát triển điện gió sẽ ở mức nào, thưa ông?

 

Nếu có chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp lý, sẽ tăng được tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Trong đó, tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030.