Gỡ 3 nút thắt, vực tăng trưởng công nghiệp - xây dựng

15:17, 08/01/2013

Công nghiệp - xây dựng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng trưởng cao nhất và dài nhất trong các nhóm ngành, trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng của nhóm ngành này đã rơi xuống đáy vào năm 2012 (tính từ năm 1991). Nếu không sớm khắc phục tình trạng này, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 sẽ bị ảnh hưởng.

Tính theo năm, trong 10 năm trở lại đây, diễn biến tăng trưởng của nhóm ngành này như sau: giai đoạn 2003 - 2007, công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 10,31%/năm; năm 2008, chỉ còn tăng 5,97%; năm 2009 tăng 5,54%, chủ yếu do thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát; năm 2010 tăng 7,68% nhờ giải pháp kích cầu trong năm 2009, trong đó có việc cấp bù lãi suất 4%/năm đã góp phần kéo trên 400.000 tỷ đồng từ các ngân hàng ra lưu thông; năm 2011 tăng 5,53% và năm 2012 tăng 4,52%, mức tăng thấp nhất trong 22 năm qua.

Do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, nên đã làm cho tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế sụt giảm (5,03%) rơi xuống đáy tính từ năm 2000 tới nay, thấp hơn cả tốc độ tăng của năm 2009.

Sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng do nhiều nguyên nhân, ở cả đầu vào và đầu ra với những điểm nghẽn lớn. Để công nghiệp - xây dựng thoát đáy vượt dốc đi lên, trong năm 2013, cần phải khắc phục những điểm nghẽn này.

Thứ nhất, nợ xấu ở mức khá cao, cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương và giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn này. Tuy nhiên, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau đây: cần xác định tổng số nợ xấu ở từng ngân hàng thương mại, từng ngành, lĩnh vực và những đơn vị đi vay có nợ lớn một cách chuẩn xác; ngân hàng thương mại với vị thế là chủ nợ cần chủ động cơ cấu lại nợ, sử dụng tối đa nguồn trích lập dự phòng; tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với doanh nghiệp có nợ khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu...

Thứ hai, giải quyết bài toán tồn kho lớn. Giảm giá bán là biện pháp cơ bản nhất để tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay, có cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoanh nợ hoặc bảo lãnh nợ, áp trần lãi suất cho vay...

Thứ ba, rã băng thị trường bất động sản, với mục tiêu làm “ấm dần” thị trường bất động sản, chứ không làm cho các nhà đầu tư, đầu cơ kỳ vọng nóng, sốt như đã từng xảy ra.