Những tuyến đường “ngựa về ngược”

08:43, 03/01/2013

Từng bị nghi ngờ về khả năng hoàn thành, nhưng nhiều đại dự án giao thông đang trở thành những chú “ngựa về ngược” với những bước nước rút ngoạn mục trong giai đoạn cuối năm 2012.

“Cất nóc” đường cao tốc

Đón đoàn nhà báo từ Hà Nội đến xã Tân An, huyện Văn Bàn, Lao Cai chứng kiến mét thảm bê tông asphalt đầu tiên được thi công tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chiều 13/12/2012, tại lý trình Km191 + 200, không phải là đại diện nhà thầu thi công Gói thầu A7, mà là ông Nguyễn Hữu Vạn, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Dáng người tầm thước, sau khi siết chặt tay Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh, ông Vạn liền kéo vị lãnh đạo chủ đầu tư đứng sát hơn dòng bê tông nhựa ghi ngút khói đang được đùn ra từ chiếc máy thảm công suất lớn mới cứng hiệu Vogele.

Đang rất bận với ngày bế mạc kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Lào Cai, nhưng phái đoàn tỉnh Lào Cai gồm Bí thư tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư có mặt từ trưa đủ thấy, sự kiện thảm mét bê tông nhựa đầu tiên trong số cả triệu mét vuông thảm của tuyến đường cao tốc xuyên Tây Bắc dài nhất Việt Nam này có ý nghĩa như thế nào với tỉnh Lào Cai.

“VEC may thật đấy, thời tiết ở đây nắng ráo, chứ ở Phố Lu, Lào Cai, trời vẫn mưa nặng hạt”, ông Vạn nói.

Chả thế mà phải đến sát giờ đổ asphalt, ông Tuấn Anh mới thở phào nhẹ nhõm khi thấy những vệt nắng đầu tiên trong ngày thấp thoáng qua ô cửa xe, chênh chếch lưng chừng núi. Cái món thảm bê tông nhựa này kỵ nhất “dính” vài hạt mưa, bởi khi ấy nhiệt độ bê tông hạ nhanh sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng mặt đường sau này.

Quá quen với sự có mặt của người đứng đầu địa phương ở cuối tuyến này, cậu kỹ sư trẻ của Công ty Transcosin – nhà thầu phụ thi công Gói thầu A7, sau khi nhận quà, còn “vòi” Bí thư Vạn thêm vài chú lợn cắp nách để khao quân. “Chú mày cứ yên chí, 23 Tết anh sẽ xuôi, mang lợn tặng cho công trường ăn Tết sớm, nhưng nhớ là phải hoàn thành gói thầu đúng tháng 3/2013 nhé. Tớ nhìn nốt mẻ thảm bê tông này rồi vù về ngay để kịp thông báo tin mừng tới các đại biểu dự phiên bế mạc HĐND tỉnh”, ông Vạn hứa chắc nịch.

Trong 5 tỉnh dọc tuyến đường cao tốc vượt Tây Bắc, Lào Cai - điểm cuối tuyến đường - là địa phương mong đợi công trình này nhất. Thế nên, dù có chiều dài công địa lớn nhất, nhưng Lào Cai hiện vẫn là địa phương duy nhất bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.

“VEC thiết lập mối quan hệ phối hợp rất tốt với Lào Cai từ thời Thủ trưởng Vinh (hiện là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PV) còn lãnh đạo tỉnh. Đây là tỉnh luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư và nhà thầu”, ông Tuấn Anh cho biết.

Trên thực tế, Lào Cai có rất nhiều lợi thế khi tuyến đường cao tốc này hoàn thành vào năm 2013. Ba tiếng rưỡi từ Hà Nội lên Lào Cai, Sapa bằng đường bộ cao tốc tiện nghi, hiện đại rõ ràng đem lại sức hấp dẫn nhà đầu tư, khách du lịch so với hành trình quanh co, kéo dài gần 8 tiếng trên Quốc lộ 70 với độ “gắt” của nhiều khúc cua tay áo đủ sức đánh gục ngay cả khách Tây to con lực lưỡng.

“Ra roi” cho đại dự án chuyển mình

Chưa biết HĐND tỉnh Lào Cai đón nhận tin vui này như thế nào, nhưng đối với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải và VEC, tuyến đường cao tốc này đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong suốt hơn 2 năm triển khai xây dựng. “Trong xây dựng đường, thi công lớp bê tông asphalt khá giống với lễ cất nóc nhà trong xây dựng dân dụng. Không đơn giản chỉ là việc chuyển giai đoạn, mà đó còn là tín hiệu quan trọng cho thấy công trình có “cơ” hoàn thành trong thời gian tới”, ông Tuấn Anh giải thích.

Được biết, Gói thầu A7 dài 26,7 km, đi qua các huyện Văn Bàn và Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, có giá trị hợp đồng 1.600 tỷ đồng do Công ty TNHH xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công, sẽ phải hoàn thành vào tháng 3/2013. Hiện A7 là gói thầu có tiến độ tốt nhất tại Dự án, với sản lượng thực hiện tính đến đầu tháng 12/2012 bằng 60% giá trị hợp đồng.

Ngoài gói thầu A7, những tín hiệu tích cực khác đã dồn dập xuất hiện ở các gói thầu khác. Trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2012, cầu Sông Lô tại gói thầu A2 – công trình vượt sông lớn nhất trên tuyến do Posco thi công đã được hợp long. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 2/2013, VEC cũng sẽ hợp long cầu vượt sông Hồng và hầm đường bộ Km188 tại gói thầu A6.

“Việc kiểm soát tốt các đường găng tiến độ này sẽ tạo tiền đề tốt để siêu dự án có tổng mức đầu tư lên tới 1,25 tỷ USD này có cơ hội hoàn thành vào năm 2013”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Sở dĩ vị lãnh đạo VEC rất thận trọng khi dùng từ “có cơ hội” là bởi cách đây chưa lâu, dự án này, dù do các nhà thầu ngoại tên tuổi thi công, còn nằm trong danh mục “báo động đỏ”, có nguy cơ “không xác định được mốc hoàn thành”. Chính vì vậy, việc giá trị sản lượng thực hiện của toàn Dự án từ 27% vào tháng 6/2012 tăng lên hơn 50% vào cuối năm có thể coi là bước nước rút ngoạn mục.

“Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông – Vận tải, công trình đã có nhiều tiến triển tích cực. Một số gói thầu, trong đó có Gói thầu A7, có thể hoàn thành trong tháng 6/2013. Còn lại, với các gói thầu chậm tiến độ, nhất là A4, A5, VEC đã yêu cầu các nhà thầu chính tăng cường tài chính và bổ sung nhiều nhà thầu mạnh có chất lượng, nên tiến độ đang thay đổi từng ngày”, ông Tuấn Anh cho biết.

Không chỉ riêng Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều đại dự án giao thông khác cũng đang có bước bứt tốc ngoạn mục. Trong đó, VEC sở hữu một tuyến đường “ngựa về ngược” khác là Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, công trình vừa công bố hoàn thành gói thầu đầu tiên vào giữa tháng 12/2012.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 10.004 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, cũng vừa tiến hành “cất nóc” cho 4 km hoàn chỉnh thuộc Gói thầu PK2 và PK1A. Khác với Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhà thầu thi công 61 km đường cao tốc nối Hà Nội với Thái Nguyên đều là tổng công ty xây lắp trong nước, giá trị sản lượng của cả 4 gói thầu xây lắp mới đạt 1.610 tỷ đồng. Với đànày, dự kiến đến hết năm 2012, Dự án ước đạt khoảng 58% khối lượng.

Mặc dù không quá căng về tiến độ, nhưng chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng đã phải dùng đến “bài” trảm nhà thầu sau khi đã tạo những điều kiện tốt nhất về thanh toán và điều chỉnh giá. Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 2 cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng qua, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu chính thay thế 24 đơn vị trên tổng số 84 nhà thầu phụ trên toàn tuyến. Nhờ việc “ra roi” quyết liệt, trong vòng 6 tháng qua, bình quân mỗi tháng, sản lượng toàn công trường đã đạt từ 5 - 6% tổng giá trị.

“Nếu duy trì được tốc độ thi công này, chúng tôi sẽ thông xe 30 km từ Thái Nguyên tới Sóc Sơn vào ngày 30/6/2013 và hoàn thành nốt 30 km còn lại vào ngày 31/12/2013”, ông Long cho biết.

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có quy mô lên tới hàng tỷ USD được hoàn thành hoặc khởi công, năm 2013 được ngành giao thông coi là “năm của những đại dự án”. “Không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, những dự án này còn trực tiếp góp phần vào sự phục hồi của kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng đánh giá.