Tận dụng phế thải nhà máy điện cho ngành xây dựng

08:59, 24/01/2013

Bộ Xây dựng vừa đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, nhằm bắt buộc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đốt than khử lưu huỳnh (FGD) bằng đá vôi kiểu ướt phải lắp đầy đủ thiết bị dây chuyền xử lý thạch cao đạt tiêu chuẩn, để đảm bảo thu hồi vật liệu phục vụ ngành vật liệu xây dựng.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng, hàng năm, các nhà máy nhiệt điện đốt than tại Việt Nam có sử dụng các thiết bị FGD đá vôi kiểu ướt sẽ có khối lượng chất thải có hàm lượng thạch cao rất lớn (90 - 93%) và tăng nhanh, tương ứng với việc tăng công suất các nhà máy nhiệt điện than theo Tổng sơ đồ Phát triển Điện 7 đã được phê duyệt.

Trong khi đó, với hàm lượng thạch cao lớn, sản phẩm của FGD có thể được tận dụng làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng, hoặc trang trí nội thất. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát thực tế của Bộ Xây dựng hiện nay, việc sử dụng thạch cao sau FGD chưa phổ biến, thậm chí chưa được sử dụng.

“Vấn đề thu hồi và sử dụng thạch cao FGD chưa được quan tâm đúng mức, các doanh nghiệp có nhu cầu thạch cao chưa biết, hoặc chưa tin cậy khả năng sử dụng sản phẩm này. Mặt khác, các nhà máy nhiệt điện than chưa thấy được lợi ích của việc thu hồi sản phẩm thạch cao FGD”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định trong báo cáo trình Chính phủ.

Do vậy, một số nhà máy nhiệt điện than như Phả Lại 2, Hải Phòng 1 đã trang bị hệ thống thu hồi thạch cao FGD đá vôi, nhưng khó vận hành.

Được biết, hai hệ thống FGD của 2 tổ máy do Hãng Marsulex (Mỹ) cung cấp được đưa vào vận hành từ năm 2001 - 2002. Theo thiết kế, lượng thạch cao tạo ra tại hệ thống FGD của 2 lò hơi là 63.011 tấn/năm và đủ điều kiện làm phụ gia cho các nhà máy xi măng, mà không cần đầu tư bất cứ thiết bị xử lý nào khác. Nhưng do các cơ sở thu mua thạch cao không ổn định, lúc mua, lúc ngừng, nên nhà máy tồn đọng thạch cao lớn.

Tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, hiện có hai lựa chọn về sản phẩm thạch cao sau FGD. Đó là đưa về băng lọc chân không để làm khô và chứa lại tại kho với sức chứa 2.500 m3. Còn khi không có nhu cầu, thạch cao sau FGD sẽ được thải thẳng ra bãi xỉ và đây là cách mà doanh nghiệp đang làm. Cũng vì thực tế tiêu thụ thạch cao sau FGD khó khăn, mà một số cơ sở khác như Nhà máy Điện than Quảng Ninh, Uông Bí mở rộng 1, 2 không trang bị hệ thống thu hồi thạch cao FGD đá vôi và kho chứa thạch cao FGD.

Trong khi đó, theo ông Nam, các chất thải như tro, xỉ, thạch cao FGD từ các nhà máy nhiệt điện và nhà máy sản xuất hóa chất nếu được xử lý đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng làm phụ gia cho sản xuất xi măng thay thế cho thạch cao tự nhiên, thay cho thạch cao vẫn phải nhập khẩu hiện nay. Theo Bộ Xây dựng, hiện các nhà máy xi măng đang nhập khẩu 2 - 2,5 triệu tấn thạch cao/năm và dự báo tới năm 2020 sẽ lên tới 4 - 4,5 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, thạch cao FGD còn được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu không nung, làm khuôn sản xuất sứ vệ sinh, vật liệu bao che và trang trí. Hiện đã có những đơn vị nghiên cứu sử dụng các chất xỉ thải, thạch cao này để làm bê tông đất.

Nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, có thể sử dụng tro, xỉ để thay thế 30 - 60% đất sét trong sản xuất gạch nung. Như vậy, đến năm 2020, có thể thay thế 13 - 26 triệu tấn đất sét bằng tro, xỉ.n