Thu hút FDI: Bước chuyển chiến lược

13:59, 17/02/2013

Sau 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đang bắt đầu quá trình chuyển hướng chính sách để dòng chảy vốn ngoại vào đúng lĩnh vực Việt Nam cần và muốn, nhằm tối ưu hóa lợi ích của quốc gia, cũng như của nhà đầu tư.

Cần công nghệ cao

 

Có một câu trả lời, gần như đã trở thành cửa miệng, trong thời gian gần đây mỗi khi có các câu hỏi về việc Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút FDI vào lĩnh vực nào, sau 1/4 thế kỷ tiếp cận nguồn vốn ngoại. Đó là công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít năng lượng, dự án gắn với nghiên cứu và phát triển (R&D).

 

Không chỉ là khẳng định từ Chính phủ, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mà ở các địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, cũng luôn có những thông điệp nhất quán như vậy. Chính phủ cũng đã giao Bộ KH&ĐT làm rõ các cơ chế, chính sách gắn với những tiêu chí cụ thể để thúc đẩy thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ hiện đại...

 

Một thông tin rất đáng chú ý trong những ngày đầu năm 2013, đó là có thể, các tiêu chí xác định thế nào là công nghệ cao, vốn lâu nay “bị” các nhà đầu tư cho rằng quá cao, khiến ngay cả các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Nokia... cũng khó với tới được, cũng sẽ được xem xét, sửa đổi cho hợp lý hơn với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam.

 

Điều này có nghĩa rằng, không chỉ là thông điệp, các bước đi cụ thể và tích cực cũng đã được hoạch định, nhất là sau một thời gian khá dài, không ít dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, hao tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường vẫn “ung dung” tồn tại và tác động xấu tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

 

“Nếu ứng dụng công nghệ mới thì sản xuất thép có thể tiết kiệm 40% năng lượng và giảm phát thải 50% khí cacbon. Những con số tương ứng với xi măng là 35% và 25%, với giấy in và bột giấy là 80% và 60%”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư phân tích.

 

Có lẽ, không cần phải bàn cãi về những lợi ích mà Việt Nam có được, nếu như chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI có công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, không chỉ xác định “công nghệ cao” một cách chung chung, mà cần cả những chỉ dẫn rất cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Công nghệ cao không có nghĩa chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp, mà thậm chí, nông nghiệp cũng cần công nghệ cao, dịch vụ cũng vậy.

 

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những khuyến nghị rằng, những dự án FDI thâm dụng lao động, như gia công hàng dệt may, da giày…, thì nên “dành đất” cho doanh nghiệp trong nước, song có nên ngay lập tức chuyển hướng chính sách như vậy hay không?

 

Một cách thẳng thắn, khi trao đổi với Báo Đầu tư, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, trước mắt, Việt Nam chưa thể chỉ chăm chăm vào thu hút các dự án FDI công nghệ cao, mà vẫn cần những dự án dệt may, da giày, thâm dụng lao động. Tuy nhiên, sẽ có một sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực này giữa các địa phương trong cả nước.

 

Thực ra, điều này cũng đã thể hiện rõ trong Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI đến năm 2020 (Đề án Định hướng FDI), mà Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện. Đó là bên cạnh việc xác định những hướng ưu tiên thu hút đầu tư vào từng lĩnh vực cụ thể, thì cũng cần tính tới định hướng theo địa phương và lãnh thổ.

 

Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu..., những địa phương đã thu hút được nhiều FDI, có thể ưu tiên thu hút FDI vào ngành công nghệ cao, công nghệ sinh học, hay dịch vụ hiện đại để giảm thiểu tình trạng quá tải trong đô thị hóa.

 

“Những địa phương này nên ưu tiên các ngành thâm dụng lao động cho doanh nghiệp trong nước. Còn các địa phương đã thu hút được một số dự án FDI quan trọng có trình độ phát triển trung bình, thì cần chọn lọc các dự án thâm dụng lao động, chú ý đến giá trị gia tăng đối với sản phẩm và công nghệ; đồng thời, chuyển hướng thu hút FDI vào những ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bày tỏ quan điểm và cho rằng, các địa phương chưa thu hút được nhiều FDI, thì có thể tiếp nhận chuyển dịch các dự án FDI thâm dụng lao động từ các địa phương đã đạt được trình độ phát triển cao.

 

Muốn các TNCs

 

Trong “bảng tổng sắp huy chương” thu hút FDI của Việt Nam, sau 25 năm, có danh sách 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu trong số này là Nhật Bản, với 1.872 dự án, hơn 29 tỷ USD. Cuối  bảng là Iran, với chỉ một dự án duy nhất và vốn đăng ký vỏn vẹn 10.000 USD.

 

Đứng cuối top 10 là Thái Lan, với 6 tỷ USD, cuối top 20 là Luxembourg, với gần 1,5 tỷ USD. Các nền kinh tế lớn, như Đức, Nga, Ấn Độ… đáng tiếc, còn nằm ngoài top 20.

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng đã hơn một lần này tỏ băn khoăn rằng, đầu tư từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, nếu so với đầu tư của các nước này vào Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… “Cho đến nay, mới có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia (TNCs) trong số khoảng 500 tập đoàn hàng đầu thế giới có dự án đầu tư ở Việt Nam. Con số này ở Trung Quốc là 400”, Bộ trưởng nói.

 

Chính vì vậy, mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các TNCs hàng đầu thế giới. Một lẽ đơn giản là vì, dòng vốn đầu tư của TNCs thường gắn với công nghệ cao và góp phần quan trọng làm thay đổi cơ cấu kinh tế của các nước tiếp nhận đầu tư. Sự có mặt của Unilever, Samsung, Intel… rõ ràng, một phần nào đó đã có những tác động tích cực tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

 

Một câu hỏi khác, đó là trong số 98 đối tác hiện thời, Việt Nam nên tập trung vào những đối tác nào? Một bản đề án liên quan đến vấn đề này đang được Bộ KH&ĐT xây dựng. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã đề xuất một danh sách chỉ bao gồm 8 đối tác. Ở châu Á, hàng đầu là Nhật Bản, rồi Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Ở châu Âu, có Đức, Anh và Pháp. Nước cuối cùng là Mỹ. “Cũng có người đề nghị ở châu Á nên thêm Ấn Độ, nhưng tôi cho rằng, 4 đối tác chiến lược như vậy là đủ. Hay cũng có ý kiến là không nên chọn Pháp, nhưng tôi thì lại cho rằng, nói đến châu Âu, không thể không nói đến Pháp”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

 

Nuôi dưỡng khí thế đầu tư

 

Thông điệp có thể coi đã được phát đi từ Chính phủ Việt Nam, đó là Việt Nam cần các dự án công nghệ cao và muốn có các TNCs. Nhưng đặt câu hỏi ngược lại, lợi ích của nhà đầu tư đến đâu trong câu chuyện này? Việt Nam muốn tối ưu hóa lợi ích của FDI, thì cũng không thể quên lợi ích của các nhà đầu tư. Và điều mà họ muốn, đó là một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hấp dẫn. Không có nó, Việt Nam sẽ gặp khó trong cạnh tranh thu hút FDI với các quốc gia trong khu vực.

 

Một thông tin vừa được JETRO công bố rất đáng chú ý, là dù trong hai năm gần đây, một luồng vốn FDI lớn vẫn đổ vào Việt Nam. Song nếu so sánh với các quốc gia xung quanh, như Thái Lan, Indonesia…, thì đâu đó, vẫn có sự thua kém.

 

Chẳng hạn, năm 2011, FDI vào Thái Lan lên tới 9,1 tỷ USD, với 904 dự án. Việt Nam thua khoảng 20%, cả về số dự án và số vốn. Chỉ tính riêng đầu tư của Nhật, thì phía Thái Lan, cũng gấp Việt Nam 2-3 lần về số dự án và 2,8 lần về số vốn đầu tư.

 

“Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, để có thể duy trì, nuôi dưỡng khí thế đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam”, ông Hirokaza Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nói và bày tỏ quan điểm rằng, chỉ đối với riêng việc thu hút FDI từ Nhật Bản, Việt Nam cũng cần thiết lập một mục tiêu vượt qua Thái Lan và xây dựng các chính sách thu hút FDI phù hợp.

 

Thực ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo phải rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách đang gây cản trở hoạt động kinh doanh và đầu tư, để làm sao môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực.

 

Trong Đề án Định hướng FDI, Bộ KH&ĐT cũng đã “lên kế hoạch” sửa đổi, cải cách hàng loạt vấn đề, từ hoàn thiện khung khổ pháp luật về đầu tư, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và các luật khác. Các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến đầu tư... cũng cần được sửa đổi, cải cách, cho phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư... Một khối lượng công việc mà chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phải thừa nhận là khổng lồ. Và vì thế, nó không hề đơn giản.

 

Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm, nếu như Việt Nam không muốn bị thua kém, bị tụt hậu. Khi bài báo này lên khuôn, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến việc nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI đến năm 2020 đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành. Các nhiệm vụ cụ thể sẽ được giao cho từng bộ, ngành. Và khi khâu thực thi được triển khai quyết liệt, sẽ tạo một bước chuyển lớn về môi trường đầu tư của Việt Nam. Cũng có nghĩa, sẽ có một bước chuyển chiến lược đối với dòng FDI vào Việt Nam.