Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dự án FDI

08:29, 29/03/2013

Như tin đã đưa, ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Ngay bên lề Hội nghị quan trọng này, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vấn đề thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh thời gian qua và những nét mới trong chính sách mời gọi đầu tư nước ngoài của tỉnh thời gian tới. Dưới đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.

P.V: Thái Nguyên là tỉnh có bề dày phát triển công nghiệp với các khu công nghiệp quy mô lớn. Vậy, việc thu hút vốn FDI trong ngành Công nghiệp của tỉnh thời gian gần đây có gì đặc biệt, thưa đồng chí?

 

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Thái Nguyên là tỉnh phát triển ngành công nghiệp rất sớm với Khu công nghiệp Gang thép - cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim cả nước những năm 60 của thế kỷ trước. Phát huy vai trò là “cái nôi” của ngành Công nghiệp, thời gian qua tỉnh đã rất quan tâm đến thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó quan tâm đến thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao. Điều đáng mừng là ngay đầu năm 2013, tỉnh đã thu hút được một dự án vốn FDI quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là Nhà máy điện tử Samsung với mức vốn đầu tư 2 tỷ USD do Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tập đoàn này cũng đang đề nghị tỉnh tiếp tục cho đầu tư một dự án phụ trợ khác với giá trị khoảng 1,2 tỷ USD, chuyên sản xuất vi mạch điện tử phục vụ Nhà máy Samsung tại Khu tổ hợp Yên Bình. Ngoài ra, mới đây cũng đã có một dự án công nghiệp khác là Dự án Bujeon Electronic chuyên sản xuất các linh kiện điện tử đầu tư vào địa bàn T.P Thái Nguyên... Các dự án này sẽ góp phần giúp Thái Nguyên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng phát triển công nghệ cao. Đây có thể coi là điểm nhấn quan trọng đối với tỉnh trong việc thu hút đầu tư vốn FDI vào khu vực công nghiệp hiện nay. 

 

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực đào tạo tại địa phương trong chiến lược giải quyết lao động chất lượng cao cho các dự án vốn FDI trên địa bàn?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Đúng là các đối tác nước ngoài thường rất quan tâm đến nguồn lao động chất lượng cao ở địa phương nơi họ có ý định đầu tư. Với Thái Nguyên, chúng tôi đảm bảo sẽ cung cấp đủ nguồn lao động theo nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài bởi trên địa bàn tỉnh có tới 9 trường đại học, 24 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, 53 trường đào tạo nghề… và là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước sau Thủ đô Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực phối hợp với nhiều tổ chức đào tạo nước ngoài nhằm liên kết với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn tiến hành đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của tỉnh và nhà đầu tư. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao của nhà đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đào tạo theo yêu cầu, kế hoạch chứ không đào tạo dàn trải, thiếu địa chỉ.

 

P.V: Đồng chí có thể cho biết những ưu thế chính trong thu hút vốn FDI của tỉnh là gì?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Thái Nguyên là tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, từng được chọn là An toàn khu, nơi Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ ở, làm việc và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thái Nguyên còn là trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc, cách Thủ đô Hà Nội hơn 60km, có hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy. Ngoài ra, cùng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cơ chế chính sách ưu đãi, hệ thống hạ tầng đầu tư được quy hoạch theo hướng hiện đại, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp vệ tinh của các dự án công nghệ cao như Honda, Toyota, Yamaha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng phụ trợ... cho các nhà đầu tư khác.

 

P.V: Để thu hút ngày càng nhiều dự án FDI đến với địa phương, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã có những cơ chế, chính sách hay những động  thái tích cực nào, thưa đồng chí?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Vấn đề đầu tiên tỉnh đặc biệt quan tâm đó là công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu công nghiệp quy mô lớn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp tập trung, trong đó đáng lưu tâm nhất là các khu công nghiệp Yên Bình, Phía Tây T.P Thái Nguyên, Điềm Thụy. Tỉnh đã thuê các tổ chức tư vấn có tầm cỡ của nước ngoài đến quy hoạch để đảm bảo tính hiện đại, lâu dài và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Tiếp theo, tỉnh tập trung hoàn chỉnh việc xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến giao thông huyết mạch như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quyết tâm hoàn thành trong năm 2013), cải tạo Quốc lộ 3 cũ (cũng quyết tâm hoàn thành trong năm 2013 đối với đoạn qua địa bàn tỉnh). Tỉnh cũng đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đi đôi với đó là ban hành hệ thống các chính sách ưu đãi đầu tư mới. Ngoài ra, còn quan tâm cải cách hành chính, trong đó đặc biệt lưu ý đến cải cách bộ máy hành chính, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trên tinh thần phục vụ, thân thiện, đúng pháp luật. Một điểm đáng lưu ý nữa là tỉnh đã đổi mới một bước hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Trước đây, hoạt động xúc tiến thường tổ chức theo số đông, mục đích, cơ chế chính sách đều rất chung chung. Còn hiện nay, thông qua các đơn vị tư vấn giới thiệu và xúc tiến đầu tư trực tiếp với nhà đầu tư, các đối tác nước ngoài. Phải nói rằng,
các nhà đầu tư nước ngoài thường có thói quen và muốn được gặp gỡ, làm việc trực tiếp với người đứng đầu chính quyền trước khi có quyết định đầu tư vào địa phương. Vì thế, là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi sẽ dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp này...

 

 Hy vọng với việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư như hiện nay, hoạt động thu hút đầu tư nói chung và thu hút các dự án FDI của tỉnh nói riêng sẽ ngày càng khởi sắc hơn.

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Nhà máy May Banpo (Công ty TNHH Banpo Việt Nam thuộc tập đoàn Banpo Hàn Quốc), 100% vốn FDI được đặt tại tiểu khu Dương Tự Minh, thị trấn Đu (Phú Lương). Tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu 3 triệu USD, năm 2012, Nhà máy đã tạo việc làm cho  1.200 lao động.