Hệ thống giao thông khu vực miền Trung: Cú hích từ hai trục cao tốc

15:10, 20/03/2013

Tốc độ luân chuyển hàng hóa và hành khách ở khu vực miền Trung sẽ tăng lên đáng kể nhờ nhiều cú hích lớn từ các đại dự án giao thông quy mô lớn được khởi công năm nay.  

Tác động ừ hai trục cao tốc


“Nếu không có gì thay đổi, Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi – một trong những cú hích hạ tầng lớn nhất từng được triển khai tại miền Trung sẽ được khởi công trước 30/5/2013”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo VEC, Dự án có chiều dài 139,5 km được thiết kế theo quy mô 6 làn xe, vận tốc 100km/h này có tổng mức đầu tư lên tới 29.203 tỷ đồng (tương đương 1,53 tỷ USD). “Nếu bám đúng kế hoạch được phê duyệt, công trình sẽ về đích sau 4 năm xây dựng”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ rút ngắn hành trình từ TP. Đà Nẵng đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và ngược lại so với đi theo các tuyến đường bộ hiện hữu, với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, tốc độ lớn hơn và điều kiện an toàn giao thông tốt hơn. Bên cạnh đó, tuyến đường còn đi qua các khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng và trong tương lai trục đường huyết mạch này có khả năng gắn kết với Quốc lộ 24 lên Kon Tum, qua các nước Lào, Thái Lan... hình thành nên trục vận tải quốc tế Thái Lan - Lào - Campuchia - Việt Nam thông qua Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Ngoài tuyến cao tốc nhánh phía Đông, hiện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) đang rốt ráo hoàn tất công tác chuẩn bị cho một trục cao tốc quan trọng khác trong vùng: tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng được đầu tư theo hình thức BT. “Chúng tôi đang chờ nhà đầu tư làm rõ thêm phương án tài chính cho Dự án cao tốc có chiều dài 80 km, tổng mức đầu tư vào khoảng 18.000 tỷ đồng này trước khi trình Bộ GTVT”, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án  trao đổi.

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), việc đầu tư đoạn La Sơn – Túy Loan sẽ đạt được mục tiêu kép: góp phần nối thông toàn tuyến nhánh Đông đường Hồ Chí Minh và hoàn thiện một phần tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Rộng mở cơ hội cho nhà đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung đang là một trong những điểm hút vốn đầu tư vào hạ tầng lớn nhất hiện nay. Ngoài hai dự án đường bộ cao tốc, tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ đang được Bộ GTVT đẩy nhanh công tác chuẩn bị để kêu gọi vốn đầu tư tư nhân. Cụ thể, chậm nhất đến giữa năm 2013, Bộ này sẽ đem “chào hàng” 16 dự án thành phần mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua miền Trung theo hình thức BOT hoặc PPP với tổng mức đầu tư dao động từ 1.500 – 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2012, Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên - công trình có quy mô lớn nhất trên tuyến đường được đầu tư theo hình thức PPP đã được khởi công xây dựng. “Các nhà đầu tư đầu tiên tham gia bỏ vốn vào Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ sẽ được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi mà Chính phủ vừa chấp thuận”, ông Công cho biết. Liên quan tới các dự án phát triển cảng biển nước sâu, một trong những lợi thế tự nhiên của các tỉnh miền Trung, Bộ GTVT vừa có văn bản giao Cục Hàng hải Việt Nam lập dự án đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) – điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây.

“Nếu được JICA hỗ trợ vốn, Dự án sẽ vay vốn từ JICA, lượng hàng hóa của các nước trên tuyến hành lang qua Cảng Tiên Sa có thể tăng trung bình từ 25 - 30%/năm”, ông Công đánh giá.