Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tập trung vào phương án nâng cấp, không mở rộng công suất để xử lý vấn đề dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Yêu cầu này vừa được Chính phủ đưa ra sau đề nghị của PVN liên quan tới vấn đề nâng cấp nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam.
Chính phủ việc nâng cấp nhà máy lọc dầu bảo đảm hai tiêu chí, đó là lựa chọn được rổ dầu thô có thể thay thế dầu thô Bạch Hổ đáp ứng yêu cầu sản xuất ổn định, lâu dài cho Lọc dầu Dung Quất và bổ sung tối thiểu các thiết bị công nghệ mới để phát huy hiệu quả nhà máy lọc dầu đầu tư để chế biến được nguyên liệu thay thế dầu thô Bạch Hổ.
Cũng liên quan đến dự án nâng cấp Lọc dầu Dung Quất với sự tham gia của Công ty Dầu khí SK, thông báo của Văn phòng Chính phủ cho hay, PVN sẽ cung cấp số liệu cho đối tác này hoàn thiện đề xuất nâng cấp mở rộng nhà máy và trình Chính phủ.
Việc hoàn thiện phương án để báo cáo Chính phủ cũng được gia hạn là trong tháng 9/2013.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, nơi quản lý Lọc dầu Dung Quất cho hay, mục tiêu mở rộng và nâng cấp công suất Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm lên 10 triệu tấn dầu thô/năm là mong muốn để có thể phát triển sang cả hóa dầu. Với công suất đầu vào 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện nay, khối lượng sản phẩm đầu ra của nhà máy hiện cũng xấp xỉ 6 triệu tấn. Nghĩa là không có nguyên liệu để làm hóa dầu, để tăng thêm hiệu quả của nhà máy lọc dầu.
“Việc nâng cấp để có thể chế biến được dầu thô nguyên liệu đầu vào đa dạng hơn và thay thế dầu thô Bạch Hổ về nguyên tắc tốn ít tiền hơn đầu tư mở rộng và nâng công suất. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý tới khả năng cạnh tranh của nhà máy về lâu dài, khi trên thị trường có thêm các dự án lọc hóa dầu khác đang được triển khai xây dựng hiện nay như Nghi Sơn, Vũng Rô hay một số dự án khác, với thời gian hoàn thành cũng vào khoảng 2018 - 2020”, ông Giang nói.
Các thông tin được đề cập trước đó cho hay, nếu đầu tư mở rộng và nâng công suất lên 10 triệu tấn dầu thô/năm, nhu cầu vốn đầu tư cần ít nhất là khoảng 2 tỷ USD. PVN cũng đã đưa Lọc dầu Dung Quất ra để tìm kiếm đối tác bán cổ phần tới 49% và hiện có Công ty Dầu khí SK quan tâm.
Cũng trong lĩnh vực hóa dầu với dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam, Chính phủ đã yêu cầu PVN cùng các nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm các mốc tiến độ đề ra, đặc biệt là các mốc tiến độ trong ứng tiền giải phóng đền bù và bàn giao mặt bằng, lựa chọn công nghệ và trao thầu EPC.
Liên quan đến việc rút lui của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đang nắm tỷ lệ góp vốn là 11% tại dự án này, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, hiện Vinachem đã hoàn tất các bản chào giá và điều kiện liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn này cho các đối tác nước ngoài trong dự án là Tập đoàn SCG (Thái Lan) và Công ty Dầu khí quốc gia của Qatar (QPI). Tuy nhiên trong cuối tháng 4 này mới có các thông tin cuối cùng về việc mua bán này.
Hiện các đối tác Thái Lan gồm SGC nắm 28% và TPC nắm 18%, còn QPI Việt Nam nắm 25%. 29% còn lại thuộc về PVN (18%) và Vinachem (11%).
Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam có quy mô hiện nay vào khoảng 4,5 tỷ USD, được đặt tại KCN Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích khoảng 1.118 ha.