Để du lịch Việt không còn "phận ai nấy biết"

08:27, 17/06/2013

Trong những hội nghị du lịch gần đây, đại diện Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch luôn khẳng định vị thế của khu vực miền Trung trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vấn đề là, cần giải pháp nào để du lịch miền Trung phát huy lợi thế sẵn có của mình để vươn lên phát triển đúng vị thế đang được kỳ vọng.

Cánh cửa rộng mở

Xét dưới góc độ phát triển toàn diện của ngành du lịch, với yêu cầu phải hội đủ những yếu tố cần như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ hỗ trợ, hệ thống vành đai mang tính dây chuyền, các sản phẩm đặc trưng để tạo lợi thế thu hút du khách,… thì có thể thấy, miền Trung đang đứng trước vận hội rất lớn để đạt đến đỉnh cao của ngành công nghiệp không khói này tại Việt Nam.

Ông Claudem Balland, Tổng giám đốc Khu nghỉ mát Victoria Hội An, người đã có hơn chục năm gắn bó với du lịch miền Trung nhìn nhận, miền Trung Việt Nam là một trong số ít nơi trên thế giới hội tụ những yếu tố cần thiết để phát triển dịch vụ du lịch cao cấp.

Đây là nơi hội tụ nhiều nhất các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam, như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, nơi này còn đan xen những nét văn hóa truyền thống phi vật thể, như các lễ hội truyền thống, giai điệu dân ca, phong tục tập quán… Chưa kể, nét đặc trưng nhất của miền Trung là di tích văn hóa Champa, một dấu ấn lịch sử không thể bỏ qua đối với khu vực này.

Theo ông Claudem Balland, những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với điều kiện được thiên nhiên ban tặng, như dải bờ biển cát trắng trải dài hàng trăm kilômét, đang mang lại cho khu vực này những giá trị vô cùng to lớn để hỗ trợ phát triển du lịch.

“Mặc dù tiềm năng khá lớn, nhưng điều kiện tự nhiên cũng tạo nên những thử thách nhất định cho vùng đất này. Điều dễ dàng nhìn thấy là, dải đất hẹp miền Trung, với địa hình núi sát biển đã hạn chế giao thông đi lại. Chưa kể, điều kiện kinh tế của các địa phương trong khu vực còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai hệ thống hạ tầng xuyên suốt để hỗ trợ phát triển du lịch”, ông Claudem Balland nhìn nhận.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, nước ta đã nhìn nhận rõ tiềm năng phát triển du lịch vùng, thông qua nhiều chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương theo hướng nâng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong GDP. Tuy nhiên, mặc dù về tư duy đã thật sự mở cánh cửa cho du lịch miền Trung, nhưng để vùng đất này phát triển được như kỳ vọng lại không dễ dàng.

Theo ông Vinh, điều cần thiết đầu tiên là làm thế nào để dải đất này thu hút được nhiều tên tuổi lớn trong giới đầu tư hạ tầng du lịch. Vấn đề này chỉ mới Đà Nẵng thực hiện được, với các tên tuổi lớn như Hyatt Regency, Furama, Novotel… “Xét về điều kiện tự nhiên, các tỉnh miền Trung khá tương đồng, vậy tại sao chỉ mới Đà Nẵng làm được điều đó?”, ông Vinh nêu vấn đề.

Giải đáp câu hỏi này, rõ ràng ai cũng dễ dàng nhận thấy, Đà Nẵng đã làm quá tốt trong việc đầu tư mạnh hệ thống hạ tầng, như đường sá, cầu cảng, sân bay… Đây có thể là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, Đà Nẵng chỉ mới đạt đến điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Để phát triển toàn diện, Đà Nẵng cần có chiến lược phát triển những dịch vụ hỗ trợ tương xứng với đẳng cấp hạ tầng du lịch đang có. Bởi lẽ, du khách di chuyển bằng máy bay hạng sang, ở khu nghỉ 5 sao, nhưng hưởng thú vui từ các dịch vụ hỗ trợ chỉ mới đạt chuẩn dưới 3 sao là chưa tương xứng, chưa tạo sức hút lớn.

Như vậy, sự phát triển của Đà Nẵng có thể là hướng đi mà nhiều địa phương cần học hỏi, song cũng cần nhìn nhận những tồn tại, bất cập để có hướng đi hợp lý hơn, giúp ngành du lịch phát triển bền vững.

Liên kết để phát triển

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, miền Trung có nhiều điểm tương đồng, nhưng phát triển không đồng đều trong lĩnh vực du lịch, một phần do là mạnh ai nấy làm, chưa có những chiến lược phát triển mang tính liên kết, đặc biệt trong khâu quảng bá.

Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Đà Nẵng chia sẻ, hoạt động du lịch gắn liền với khái niệm tour, tức là du khách thường không bỏ tiền ra để chỉ đến một địa điểm nào đó. Do vậy, yếu tố liên kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực du lịch.

Theo ông Tuấn, du khách đến với miền Trung, ít nhất họ cần biết sẽ được khám phá những gì, ở đâu và hành trình ra sao? Vậy tại sao các địa phương không liên kết lại để cùng quảng bá theo một chương trình tổng thể. Như vậy, địa phương nào cũng được hưởng lợi, mà chi phí quảng bá lại thấp hơn rất nhiều.

Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã hợp tác xây dựng Chương trình “Ba địa phương - một điểm đến”. Đây có thể xem là chương trình liên kết du lịch đầu tiên tại miền Trung. Chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều người nhận định rằng, ba địa phương trên dễ thực hiện, vì quá gần nhau, trong khi Huế và Quảng Nam có nhiều di sản, Đà Nẵng có hạ tầng du lịch tốt, nên liên kết để phát triển là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, nếu phát triển theo quan điểm cũ, “phận ai nấy biết”, thì tất nhiên, Huế vẫn phát triển được nhờ vào Cố đô, Quảng Nam vẫn phát triển tốt nhờ Phố cổ và Thánh địa Mỹ Sơn, còn du khách đến đâu mặc kệ. Nhưng từ khi có chương trình liên kết, chi phí quảng bá của các địa phương giảm đi đáng kể, hiệu quả lại nâng cao, chưa kể, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng được lợi từ chương trình liên kết này thông qua những tour cố định.

Nói như vậy để thấy rằng, khi liên kết rộng cho cả vùng chưa thực hiện được, thì các địa phương có thể tính chuyện liên kết theo nhóm. Chẳng hạn, với điều kiện khá tương đồng, nếu các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa liên kết cùng quảng bá theo chương trình du lịch riêng, thì chắc chắn, hiệu quả sẽ cao hơn. Đặc biệt, khu vực này đang được du khách Nga rất hứng thú, nhưng hiện tại, thị trường khách Nga chỉ mới biết đến Nha Trang. Nếu liên kết, nhóm khách này chắc chắn sẽ kéo dài thời gian lưu trú để đến Quy Nhơn, Tuy Hòa, Sông Cầu, Bình Định…, nên hiệu quả hoạt động du lịch sẽ cao hơn.