Chuyện "xem mặt" nhà thầu ở Dự án Hầm Đèo Cả

14:43, 17/09/2013

Chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã chủ động trao đổi với các nhà thầu tiềm năng (chưa trúng thầu) về những chính sách mà Dự án đặt ra cho các nhà thầu trong tương lai nếu đảm nhận thi công tại dự án hạ tầng quan trọng này, nhằm tìm được tiếng nói chung tốt nhất từ trước khi trở thành đối tác cùng thực hiện Dự án.

Sáng tạo trong quản lý, điều hành dự án lớn


Tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả) đã tổ chức hội nghị các nhà thầu tiềm năng (mang tính nội bộ).

Tại đây, chủ đầu tư và nhà thầu trao đổi công khai về những chính sách mà dự án đặt ra cho các nhà thầu trong tương lai nếu đảm nhận thi công tại dự án hạ tầng quan trọng này.
   

Nhiều chuyên gia đầu ngành về hạ tầng đều nhận xét, đây là cách làm mới của chủ đầu tư một dự án lớn như Hầm Đèo Cả, thể hiện rõ quan điểm của nhà đầu tư là làm thật và việc thật.

Việc công khai minh bạch những chính sách quản lý của chủ đầu tư dựa trên quan điểm “đầu xuôi thì đuôi lọt”, giúp nhà thầu nắm vững và thông suốt những giải pháp quản lý cũng như quản lý tiến độ của chủ đầu tư.

TS. Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, hiện là cố vấn cao cấp cho Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả cho rằng, việc lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả gặp gỡ các nhà thầu mới ở dạng tiềm năng (tức là chưa chính thức trúng thầu) đã tạo nên một điểm nhấn về tư duy trong cách quản lý, điều hành một dự án lớn.

“Vấn đề cốt lõi trong tư duy quản lý của chủ đầu tư là khẳng định tính minh bạch, rõ ràng trong điều hành. Chủ đầu tư cũng đã thẳng thắn công khai những tiêu chí lựa chọn nhà thầu, tránh những thông tin sai lệch không đáng có sau này mà nhiều dự án lớn thường gặp”, ông Dũng nói và cho biết thêm, quan trọng hơn, nhà thầu cũng có thể tự chấm điểm mình là có đủ tiêu chí để tham gia cùng dự án hay không? Có quyết tâm theo đuổi những mục tiêu mà chủ đầu tư đề ra hay không? Và yêu cầu một cách công khai, minh bạch những quyền lợi và trách nhiệm của nhà thầu đối với dự án…

Với kinh nghiệm của một người đứng đầu ngành giao thông - vận tải nhiều năm, ông Dũng rất hiểu những hiện tượng tiêu cực như chạy thầu, bán thầu... và chính những bất cập này dẫn đến nhiều bất lợi cho chủ đầu tư về mặt quản lý, cũng như ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình.

Thống nhất chia sẻ quan điểm cũng như chính sách ngay từ đầu là lựa chọn đúng đắn mà Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả áp dụng đối với dự án lớn như Hầm Đèo Cả. Giải pháp quản lý khoa học sẽ giúp chủ đầu tư điều hành tốt hơn và có thể tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Chưa kể, chính sự công khai chính sách quản lý này được xem là vòng sơ loại lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thẳng thắn cho rằng, điều hành dự án có tốt hay không, dự án có triển khai đúng tiến độ hay không, chủ yếu phụ thuộc vào việc quản lý dòng tiền mà chủ đầu tư bỏ ra. “Nếu dòng tiền sử dụng đúng mục đích, đúng kế hoạch đề ra thì không có lý do gì tiến độ dự án không đáp ứng yêu cầu, chất lượng công trình không đảm bảo”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng cho biết, cách điều hành một dự án đầu tư này không có gì mới mẻ trên thế giới, nhưng ở nước ta, đây là lần đầu tiên tiếp cận cách quản lý mới, nhất là đối với dự án đầu tư áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP). Để dự án vận hành suôn sẻ, công ty phải có đội ngũ quản lý có trình độ cao, đi kèm với những cố vấn chuyên sâu.

Theo ông Hoàng, trước những đòi hỏi như vậy, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang từng bước đào tạo cán bộ quản lý chuyên sâu hơn theo hình thức vừa học, vừa làm. Công ty đã thuê những giảng viên của các trường đại học lớn trong nước về trực tiếp giảng dạy, đào tạo cho cán bộ quản lý của mình. Nhờ kết hợp giữa thực tế đi kèm với sự hướng dẫn của các cố vấn cao cấp cùng với sự truyền đạt kiến thức từ những giảng viên giàu kinh nghiệm, dần giúp những cán bộ công ty, tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng đã tiếp cận cách quản lý một cách tốt nhất.

Sự minh bạch trong công tác quản lý đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả không chỉ dừng lại ở những vấn đề trên. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và Công an tỉnh Phú Yên đã chính thức ký thoả thuận hợp tác bảo vệ an ninh cho Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Đây là lần đầu tiên có sự hợp tác chặt chẽ giữa một nhà đầu tư và cơ quan an ninh địa phương thông qua một chương trình hợp tác cụ thể.

Chương trình hợp tác đã thể hiện rất rõ tính minh bạch trong quá trình đầu tư và cũng là cách làm mới mà chủ đầu tư áp dụng cho dự án này. Qua chương trình hợp tác, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và Công an tỉnh Phú Yên sẽ cùng nhau phối hợp chặt chẽ về mọi mặt liên quan đến kinh tế, trật tự và cả vấn đề thông tin của dự án.

Lợi thế về sự đồng thuận từ các cấp

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả là dự án hạ tầng quan trọng, quy mô lớn đầu tiên của nước ta được đầu tư theo hình thức BOT và BT. Tổng vốn đầu tư lên đến 16.500 tỷ đồng là khoản tiền không lớn đối với một quốc gia, nhưng lại là số vốn khổng lồ đối với một công ty cổ phần. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với chủ đầu tư dự án về bài toán hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận chính là uy tín và vị thế của nhà đầu tư đã được khẳng định qua sự lựa chọn của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải khi giao trọng trách làm chủ đầu tư một dự án hạ tầng có vai trò xã hội và kinh tế lớn như vậy. Nhà đầu tư nhận trọng trách không chỉ dừng lại ở việc nói và bắt tay làm, mà muốn thành công về mọi mặt, thì điều đầu tiên cần có sự ủng hộ tối đa của Chính phủ, bộ, ngành và gần hơn là chính quyền và nhân dân vùng dự án. Điều này quyết định đáng kể đến sự thành công của dự án.

Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Văn bản số 1309/TTg-KTN ngày 16/8/2013, chính thức đồng ý chuyển Trạm thu phí Bàn Thạch thuộc Quốc lộ 1A đoạn Phú Yên thành trạm BOT để thu phí hoàn vốn cho Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả kể từ 0h ngày 1/9/2013.

Chủ trương này của Chính phủ nhằm mục đích khuyến khích các nhà đầu tư triển khai dự án hạ tầng theo hình thức BOT, BT và PPP. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành một số cơ chế để thực hiện tại Văn bản số 476/TTg-KTN ngày 11/4/2012, trong đó có việc bàn giao hai trạm thu phí Bàn Thạch (Km 1350+150 Quốc lộ 1) và Ninh An (Km 1408+200 Quốc lộ 1) cho nhà đầu tư để hoàn vốn.

Quyết định này của Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, có sự tham mưu của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Đây là một phần hỗ trợ về mặt chính sách từ Trung ương, song cần ghi nhận sự khuyến khích, ủng hộ của nước ta đối với các dự án đầu tư theo chương trình xã hội hóa đầu tư hạ tầng hiện nay.

Về phía địa phương, do dự án nằm trên địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nên vai trò của 2 địa phương này rất quan trọng. Dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó cũng đã có những điều khoản hợp đồng trách nhiệm từ phía Nhà nước trong công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Để làm tốt điều này, vai trò của địa phương rất lớn, thông qua việc hợp tác chia sẻ cùng nhà đầu tư trong công tác GPMB, tạo điều kiện nhà đầu tư triển khai dự án nhanh nhất.

Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên đánh giá cao quyết tâm của nhà đầu tư trong việc triển khai Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, đôn đốc triển khai quyết liệt các phần việc liên quan như công tác GPMB, bố trí tái định cư để chủ đầu tư triển khai thi công dự án đúng tiến độ đề ra.

Lời cam kết của lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã và đang được cụ thể hóa thông qua công tác GPMB. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, nên phía chủ đầu tư chủ động giải ngân hơn 100 tỷ đồng cho tỉnh Phú Yên và hơn 15 tỷ đồng cho tỉnh Khánh Hòa để thực hiện công tác GPMB, đền bù cho người dân.

Đối với dự án lớn như hầm Đèo Cả, sự tin tưởng vào hiệu quả đầu tư của các đối tác tài chính lớn cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng. Với lợi ích kinh tế - xã hội cao, Dự án đã được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trực tiếp tham gia hợp phần BT của Dự án trị giá hơn 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank cũng là đối tác tài trợ tín dụng cho công tác GPMB và tái định cư trị giá 214 tỷ đồng cho Dự án.