Đầu tư ra nước ngoài: Những khoảng trống pháp lý

10:35, 01/11/2013

Từ cuối năm 2010 đến nay, luật sư chuyên tư vấn về doanh nghiệp và đầu tư nhận được nhiều yêu cầu tìm hiểu về pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với các quy mô đầu tư khác nhau.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 16,6 tỷ USD.

 

Có người cho rằng, con số này chưa phản ánh đúng năng lực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi nhiều khoản đầu tư qua hình thức mua bán, sáp nhập hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài chưa được cập nhật do những vướng mắc, rào cản pháp lý. 

 

Cũng phải nói thêm, đây đang là xu hướng của các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển muốn tiếp cận thị trường toàn cầu hay thị trường địa phương ở nước ngoài, mà thành công của Lenovo (Trung Quốc) với việc mua lại ThinkPad của IBM là một ví dụ.

 

Thực tế, pháp luật điều chỉnh đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài chỉ được đề cập mang tính nguyên tắc tại Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Những quy định pháp lý này đòi hỏi nhà đầu tư Việt Nam, nếu có nguyện vọng đầu tư ra nước ngoài, thì phải làm các thủ tục tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo quy mô đầu tư, nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký đầu tư hay thẩm tra đầu tư.

 

Những thủ tục này tưởng chừng đơn giản, cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước, nhưng đang là một hạn chế đáng kể đối với nhà đầu tư Việt Nam. Nhà đầu tư vừa phải lo chuyện tìm kiếm được cơ hội đầu tư tại nước ngoài, đáp ứng được các điều kiện pháp lý và đầu tư tại nước ngoài, đồng thời phải lo lắng đối với việc xin phép đầu tư.

 

Điều này đã dẫn tới việc một số nhà đầu tư đã phải tìm cách để có được dự án đầu tư ở nước ngoài rồi mới tính tới việc xin phép cơ quan nhà nước ở Việt Nam. Những nhà đầu tư này cho rằng, rủi ro cũng có thể xuất hiện nếu nhà đầu tư xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài trước, nhưng lại không thâu tóm được dự án.

 

Hơn nữa, các quy định pháp luật Việt Nam mới chỉ công nhận về hình thức đầu tư trực tiếp, mà chưa công nhận các hình thức đầu tư khác, như mua cổ phần tại các công ty nước ngoài, hay mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài.

 

Doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn được sở hữu những thương hiệu nước ngoài hoặc những lợi thế thương mại từ cơ sở kinh doanh có sẵn thì phương cách mua lại là thích hợp.

 

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể thực hiện được phương cách này vì pháp luật chưa có quy định cho phép. Những “phi vụ” mua cổ phần nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải nhờ tới ý kiến từ Thủ tướng Chính phủ. Những quyết định linh hoạt, năng động sẽ bị hạn chế bởi những rào cản, khoảng trống pháp lý này.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước có mối lo khi doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam đem nhiều tiền ra nước ngoài đầu tư có thể sẽ ảnh hưởng đến trữ lượng ngoại tệ, hay tạo thuận lợi cho những hành vi rửa tiền, cất giấu tiền một cách bất minh. Do vậy, rào cản pháp lý hiện tại là cần thiết. Song, trên thực tế, những thủ tục nhằm kiểm soát các hành vi bất minh lại khiến các dự định đầu tư chính đáng lại gặp rủi ro.

 

Điều này đòi hỏi cần phải có một cơ chế pháp lý hài hoà và hiệu quả hơn. Cơ chế đó có thể là:

 

Thứ nhất, ban hành những điều kiện đối với doanh nghiệp mong muốn đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện thì có quyền chủ động trong việc thực hiện đầu tư ra nước ngoài mà không phụ thuộc vào một cơ chế cấp phép.

 

Thứ hai, thiết lập cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài để kiểm soát được các hoạt động bất minh trong việc chuyển tiền ra nước ngoài.

 

Thứ ba, gia nhập các điều ước quốc tế nhằm bảo hộ đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

 

Thứ tư, phát triển các hệ thống chi nhánh ở nước ngoài nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Cơ chế này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường đầu tư và thương mại qua lại giữa Việt Nam với nước ngoài.