Sự vượt trội về tỷ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đang làm dấy lên mối lo về “FDI hóa” nền kinh tế. Nhưng có thực như vậy?
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố tiếp tục cho thấy sự nổi trội của các DN FDI trong xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, 11 tháng qua, trong tổng thành tích xuất khẩu 120,57 tỷ USD, nhóm FDI đạt trên 74,18 tỷ USD.
Điều đáng nói là, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khối DN FDI đều chiếm tỷ trọng lớn. Chẳng hạn, với nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay - điện thoại di động và linh kiện, khối DN FDI xuất khẩu 19,878 tỷ USD/20 tỷ USD. Với nhóm dệt may là 9,68 tỷ USD/16,24 tỷ USD. Còn hàng điện tử, máy vi tính là 9,66 tỷ USD/9,81 tỷ USD.
Trong khi tăng trưởng xuất khẩu của khối DN FDI là 27,9%, thì của khu vực DN trong nước chỉ khoảng 6%. Sự trì trệ của sản xuất trong nước khiến tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước rất thấp. Trong khi đó, thế mạnh về tài chính, thị trường khiến các DN FDI đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước 11 tháng qua, cũng như trong năm 2012.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tỷ lệ đóng góp cho xuất khẩu của khối DN FDI ngày càng tăng trong những năm gần đây. Và hiện thời là hơn 61%.
Điều này khiến thời gian gần đây, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại về sự mất cân đối giữa hiệu quả và tỷ trọng đóng góp của khối DN FDI với khối DN nội địa. Thậm chí, còn có quan điểm cho rằng, có thể đã nảy sinh tình trạng “FDI hóa” nền kinh tế.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định rằng, không có chuyện phân biệt thành phần kinh tế FDI hay trong nước, thế giới cũng như vậy.
“Các DN FDI khi vào hoạt động tại Việt Nam, thì tuân thủ toàn bộ luật pháp của Việt Nam, tạo những sản phẩm, dịch vụ phục vụ Việt Nam và xuất khẩu như các DN khác của Việt Nam. Và họ có đóng góp về thu hút lao động, thuế, chuyển giao khoa học - công nghệ, chúng ta không nên phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN trong nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, vấn đề đặt ra là làm thế nào để DN nội địa cũng phải vươn lên, đạt được thành quả tương tự các DN FDI, không để quá chênh lệch.
Đồng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, để trả lời câu hỏi này phải phân tích kỹ Việt Nam có cần FDI không và FDI đã làm gì cho Việt Nam.
Lấy hai ví dụ trong hai ngành dầu khí và viễn thông, với hai liên doanh Vietsopetro và liên doanh với Telstra (Australia), ông Mại khẳng định, không có sự xuất hiện của các DN FDI, Việt Nam không thể có ngành dầu khí và viễn thông phát triển như ngày hôm nay, không chỉ mạnh trong nước, mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.
“Với sự xuất hiện của các nhà đầu tư như Samsung, Nokia, Canon, kinh tế Bắc Ninh cũng đã có sự thay đổi rất nhanh chóng. Ngành nông nghiệp của tỉnh này chỉ còn chiếm tỷ trọng 8,5%, đó là một sự thay đổi rất cơ bản”, ông Mại lấy thêm ví dụ.
Song cùng quan điểm với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông Mại cho rằng, điều quan trọng là tới đây, phải làm sao để khu vực FDI tạo sức lan tỏa đối với khu vực trong nước, làm sao để liên kết khu vực trong nước và nước ngoài để cùng phát triển - điều mà thời gian qua Việt Nam chưa làm tốt.
“Phải có chính sách để thúc đẩy việc này”, ông Nguyễn Mại nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, để DN trong nước cũng có thể cạnh tranh với DN FDI, phải tháo gỡ tất cả vướng mắc căn bản nhất cho DN Việt Nam.