Nhật Bản đổ vốn vào ngân hàng bán lẻ

15:33, 30/12/2013

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố giao dịch bán 20% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài thứ 2 là Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU), ngân hàng bán lẻ và thương mại chính của Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. (MUFG).

Đây là giao dịch lớn nhất từ trước đến nay trong ngành tài chính Việt Nam, với tổng giá trị 15.465 tỷ đồng, tương đương 743 triệu USD. Sau giao dịch này, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên 32.661 tỷ đồng, vốn tự có sẽ đạt 45.000 tỷ đồng và trở thành ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

 

Ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, đây không chỉ là sự kiện riêng của VietinBank, mà còn là sự kiện quan trọng với toàn ngành ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam.

 

Đối tác của VietinBank - BTMU là ngân hàng lớn nhất ở Nhật Bản và là ngân hàng chính của MUFG. Đây là một trong những tập đoàn tài chính đa dạng nhất và lớn nhất trên thế giới với tổng tài sản đạt 218.900 tỷ yên Nhật. MUFG có mạng lưới chi nhánh ở nước ngoài lớn nhất trong số các ngân hàng của Nhật Bản, dẫn đầu thị phần bán lẻ tại Nhật với hơn 40 triệu tài khoản khách hàng cá nhân.

 

Ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch BTMU cho biết, hợp tác với VietinBank là một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động của BTMU ở châu Á và tăng cường dịch vụ cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. 3 năm gần đây, doanh thu của BTMU ở châu Á tăng trưởng khoảng 10%.

 

Hiện có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam và sẽ ngày càng tăng. “Chúng tôi hy vọng, có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và giúp doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển nền kinh tế Việt Nam”, ông Hirano nói và cho biết, VietinBank có mạng lưới chi nhánh rộng và hệ thống quản trị tốt. Đây là tiền đề tốt cho BTMU phát triển các hoạt động tại châu Á và Việt Nam. Ngược lại, BTMU sẽ hỗ trợ VietinBank trong phát triển ngân hàng bán lẻ, cũng như các dịch vụ mang tính quốc tế.

 

Hiện tại, VietinBank có 161 chi nhánh, hơn 1.100 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm; gần 1.600 điểm lắp đặt máy ATM… với doanh số giao dịch trung bình 600 tỷ đồng/ngày, 10 triệu tài khoản khách hàng cá nhân. Về hệ thống an ninh, VietinBank đã đầu tư 30 triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin với tỷ lệ đầu tư cho an ninh thông tin chiếm hơn 30% trên tổng ngân sách trong năm 2012.

 

Trước khi hợp tác với BTMU, VietinBank đã có 1 cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty cổ phần Tài chính quốc tế - IFC (sở hữu 10% cổ phần tại VietinBank). Đợt phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho IFC hồi năm 2011 đã giúp VietinBank thu về thặng dư vốn 1.854 tỷ đồng.

 

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, hợp tác với BTMU sẽ tạo cơ sở để VietinBank củng cố hoạt động, tập trung tái cấu trúc bộ máy.

 

Vừa qua, VietinBank cũng đã có một số hợp tác quốc tế lớn. Theo đó, trong tháng 12, VietinBank vừa nhận khoản tín dụng 65 triệu USD từ 4 ngân hàng do Nomura Singapore Ltd. thu xếp. Nomura Singapore Ltd. là ngân hàng đầu tư có quy mô tài sản lớn nhất Singapore, trực thuộc Tập đoàn Nomura (Nhật Bản). 3 ngân hàng còn lại là Commerzbank Aktiengesellschaft (Đức), ChinaTrust Commercial Bank Co., Ltd và Mega International Commercial Bank Co., Limited (đều của Đài Loan).

 

Ngoài ra, vào giữa năm 2012, VietinBank đã phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Hiện số trái phiếu này đang được niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore. Tháng 10/2012, Tạp chí FinanceAsia bình chọn VietinBank là Tổ chức huy động vốn hiệu quả nhất Việt Nam (Best Borrower in Vietnam).

 

Theo báo cáo tài chính quý III/2012, VietinBank đạt lợi nhuận sau thuế hơn 2.700 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt gần 1.600 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, VietinBank đạt lợi nhuận hơn 4.800 tỷ đồng, so với mức hơn 4.500 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2011.

 

 

Trong quá trình lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài thứ 2, đầu năm 2012, VietinBank tưởng chừng đã “chốt” đối tác chiến lược là Nova Scotia (Canada). Tuy nhiên, đến phút cuối hợp tác đã không thành.