Nếu không có gì thay đổi, ngày đầu tiên của năm mới (1/1/2014), Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) sẽ chính thức mở cửa trung tâm thương mại đầu tiên ở TP.HCM. Sau đó, khoảng tháng 10/2014, sẽ là trung tâm thương mại thứ hai ở Bình Dương và năm 2015, là trung tâm thương mại tại Long Biên (Hà Nội), tạo một sự thông suốt trên toàn đất nước Việt Nam.
Nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản này đã lên kế hoạch đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ cuối năm 2011 và rất nhanh sau đó, đã hiện thực hóa kế hoạch này.
Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam vào khoảng năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện. Nhận thức được tiềm lực phát triển kinh tế, cũng như sự tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam, chúng tôi không ngần ngại quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam”, đại diện Aeon Việt Nam cho biết.
Theo kế hoạch, các trung tâm mua sắm của Aeon sẽ kinh doanh tới 90% hàng hóa nội địa, phần còn lại sẽ là hàng hóa của Nhật Bản và các nước khác. Ngoài ra, cũng có hàng hóa Nhật Bản và hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu sang Nhật. Hai nhãn hiệu riêng TOPVALU và PB (của Aeon Malaysia) cũng đang được nghiên cứu để cung cấp tại các trung tâm thương mại này.
Thực tế, Việt Nam từ cả chục năm trước đã được đánh giá là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Không chỉ Aeon, mà trước đó, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam để phát triển hệ thống bán lẻ. Metro Cash & Carry, BigC là những ví dụ điển hình. Mới đây, ngay cả Auchan cũng đã lập kế hoạch chinh phục thị trường bán lẻ Việt Nam.
Riêng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Aeon cũng không phải là nhà bán lẻ Nhật Bản duy nhất có mặt tại Việt Nam.
Đầu năm 2010, FamilyMart đã hợp tác với Tập đoàn Phú Thái để mở cửa hàng Family Mart đầu tiên ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau một thời gian cơm lành, canh ngọt, hai bên đã “ly dị” vào giữa năm nay, với đồn đoán rằng, Family Mart sẽ rút khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, tháng 7/2013, FamilyMart đã mở cửa trở lại, xóa tan mọi nghi ngờ về sự tháo chạy của tập đoàn này. Theo kế hoạch, đến hết năm 2013, Family Mart sẽ mở tổng cộng 20 cửa hàng, để đến cuối năm 2014, lấn sân thị trường Hà Nội.
Cùng với việc mở cửa hàng trở lại, FamilyMart cũng đang tìm kiếm đối tác Việt Nam để thành lập liên doanh mới, cùng phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Không hẳn là lĩnh vực bán lẻ, nhưng việc Tập đoàn Sojitz mua 51% cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Hương Thủy cũng được cho là bước thâm nhập khôn khéo của tập đoàn này vào thị trường Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định xu hướng dịch chuyển lĩnh vực đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Hương Thủy là một công ty bán lẻ thực phẩm lớn tại Việt Nam với mạng lưới vận chuyển trên toàn quốc và 12 cơ sở trung chuyển sản phẩm chuyên cung cấp thực phẩm, đồ uống cho khoảng 40.000 cửa hàng trên cả nước. Theo kế hoạch của Sojitz sau khi mua Hương Thủy, thì sẽ tăng doanh thu của công ty này từ 4 tỷ yên năm 2011 lên 20 tỷ yên vào năm 2016.
Theo Sojitz, hệ thống phân phối của Hương Thủy tuy lớn, nhưng chưa có một quy trình chuẩn. Vì thế, Sojitz sẽ cùng đối tác Kokubu (nhà phân phối thực phẩm hàng đầu của Nhật, đang nắm 19% cổ phần tại Hương Thủy) chuẩn hóa lại trên toàn bộ hệ thống này, đồng thời tăng cường các loại hàng hóa từ Nhật sang Việt Nam.
Sojitz vào thời điểm mua Hương Thủy cũng đã lên kế hoạch nghiên cứu khả năng xây dựng mạng lưới cung cấp hàng thực phẩm cho Myanmar, Campuchia và dần mở rộng ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á.