Ngày 12-3, tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai hai dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 và QL 14 (đường Hồ Chí Minh), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là dự án đặc biệt, cho nên các bộ, ngành cần vận dụng cơ chế, giải pháp và quyết tâm đặc biệt. Bất cứ đơn vị nào làm không tốt, đều phải xử lý.
Phấn đấu hoàn thành GPMB cuối tháng 3
Cách đây hơn ba tháng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương "bàn giao mặt bằng theo tiến độ đã cam kết, hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2013, trừ một số đoạn bàn giao trong quý I năm 2014". Hiện nay, công tác GPMB đã đạt khoảng 80%, tuy nhiên 20% còn lại, theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng là những vị trí "xương" nhất, đa số các hộ này đều trong diện phải tái định cư, tại các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Đồng Nai, khối lượng GPMB còn rất lớn. Bộ GTVT phấn đấu sẽ hoàn thành công tác GPMB, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xong trong quý I này, nếu các địa phương không "xắn tay vào cuộc", mục tiêu này rất khó đạt được. Hiện nay, công tác lựa chọn các nhà thầu thi công đã cơ bản xong, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên bắt đầu bước sang mùa khô, rất thuận lợi để triển khai thi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ. Theo cơ chế thực hiện công tác GPMB dự án đã được Thủ tướng phê duyệt, các địa phương chịu trách nhiệm sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng khu tái định cư (TĐC) theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí được hoặc bố trí chưa đủ nguồn vốn để xây dựng cho dự án. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện công tác GPMB.Mặt khác, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của tất cả các chủ công trình vẫn chậm, không đáp ứng được yêu cầu triển khai dự án. Nhằm kịp thời có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công các dự án mở rộng QL 1 và QL 14, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật như Tập đoàn VNPT, Viettel, FPT, EVN,... đẩy nhanh hơn nữa tiến độ di dời công trình trong phạm vi GPMB và thực hiện đúng cam kết với cơ quan quản lý hạ tầng giao thông khi xây dựng công trình. Các tỉnh cần chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện di dời công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật của chủ công trình; chủ động huy động nguồn vốn, xây dựng các khu TĐC bảo đảm đủ điều kiện cho các hộ bị ảnh hưởng có thể di dời để bàn giao mặt bằng sớm. Trường hợp các địa phương thật sự khó khăn, yêu cầu lập phương án chi tiết, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng cho phép tạm ứng vốn của dự án để đầu tư xây dựng. Ngoài ra, phải giải quyết dứt điểm đối với những diện tích đất có tranh chấp, nguồn gốc không rõ ràng. Những hộ dân cố tình chây ỳ, không chịu di dời khi địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định, cần triển khai phương án cưỡng chế đúng trình tự của pháp luật.
Đồng loạt đề xuất hỗ trợ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương, tỉnh xác định đây không đơn thuần là công việc trọng tâm mà là đặc biệt trọng tâm. Trước Tết Nguyên đán, khối lượng GPMB chỉ đạt khoảng 10%, sau Tết, cứ 10 ngày một lần, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì giao ban về GPMB, vướng mắc đâu gỡ ngay đến đó, thông suốt từ xã đến tỉnh. Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ nhanh chóng xây dựng các khu TĐC vì đây là vấn đề khó khăn nhất. Hiện nay, với 595 hộ dân trong diện phải TĐC đã di dời chưa bố trí được chỗ ở mới, tỉnh phải hỗ trợ mỗi hộ ba triệu đồng/tháng. Còn ở Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh cho biết, số hộ phải giải tỏa (gồm cả dự án hầm đường bộ Đèo Cả) lên tới hơn 9.000 hộ. Kinh phí xây dựng khu TĐC cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến khoảng 180 tỷ đồng, tỉnh đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành xin phép được chỉ định thầu xây khu TĐC theo hình thức BT, một phần kinh phí từ việc thu tiền sử dụng đất, phần còn thiếu đề xuất T.Ư hỗ trợ nhưng các bộ trả lời chung chung cho nên tỉnh không biết triển khai ra sao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa cho biết, nhà đầu tư dự án BOT (Liên danh Thi Sơn - Xây dựng thương mại số 9) năng lực tài chính, chuyên môn cũng như thiết bị rất yếu khó chi trả, ứng vốn trước GPMB.Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự nêu trường hợp GPMB tại nút giao tuyến tránh TP Hà Tĩnh do Tổng công ty Sông Đà là nhà đầu tư BOT.Nhiều năm qua, chủ đầu tư gặp khó khăn, không có kinh phí để GPMB, tỉnh nhiều lần yêu cầu, song chưa có cách nào tháo gỡ. Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cũng phản ánh những bất cập trong việc di dời công trình hạ tầng điện. Chẳng hạn, tỉnh Bình Định lề đường chỉ có 0,5 m, không thể bố trí hạ tầng. EVN đã chuẩn bị đầy đủ tiền, nhà thầu, vật tư, cơ bản nhất là vướng mắc mặt bằng, hiện còn gần 2.700 vị trí chưa có mặt bằng thi công. Việc cấp phép thi công cũng không thuận lợi, EVN trình hồ sơ nhưng một số tỉnh như Quảng Ngãi, Gia Lai có chỗ đang thi công thì bắt dừng. Công tác thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, EVN đề nghị lãnh đạo các tỉnh ủy quyền tự phê duyệt và chịu trách nhiệm.
Trước khó khăn của một số địa phương về nguồn vốn xây khu TĐC, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị các địa phương nếu thật sự khó khăn, cần sớm đề xuất cụ thể, Bộ sẽ có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất với Chính phủ. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng giải đáp ngay một số vướng mắc các địa phương nêu. Trường hợp tỉnh Hà Tĩnh, nếu nhà đầu tư BOT Sông Đà không quyết liệt GPMB, đề nghị tỉnh dừng thu phí, Bộ ủng hộ phương án trưng dụng trạm thu phí để lấy nguồn GPMB.Đối với tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể trực tiếp phụ trách ngay trong tuần sau làm việc với nhà đầu tư BOT, nếu không chứng minh được năng lực tài chính, chuyên môn, sẽ rút phép đầu tư ngay. Trường hợp tỉnh nào cần giải quyết ngay, đề nghị gọi điện thoại trực tiếp, tránh văn bản qua lại mất thời gian. Một số văn bản hướng dẫn của Bộ gây vướng mắc khi triển khai, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh ngay trong ngày 12-3.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác GPMB cho hai dự án QL 1 và QL 14. Một số tỉnh hiện đã cơ bản hoàn thành GPMB như Kon Tum, Gia Lai 100%, Hà Tĩnh 98%, Ninh Thuận 97%,... Phó Thủ tướng đánh giá, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cao nhất tỉnh rất quan trọng, nếu chỉ giao cho cấp phó, sẽ không đủ năng lực quyết định. Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT,...cần có hướng dẫn cụ thể giải quyết phát sinh cho công trình này. Xây dựng khu tái định cư, việc thanh toán, ứng vốn,... nếu cần cho phép có cơ chế đặc biệt. Việc bồi thường hỗ trợ cần thực hiện đúng chế độ, tạo thuận lợi tối đa, không để người dân thiệt thòi. Trường hợp nào cố tình chống đối, chây ỳ, phải có phương án cương quyết cưỡng chế, chống tái lấn chiếm, bảo vệ thi công chặt chẽ, dân chủ phải đi liền với kỷ cương. Tất cả địa phương phải thành lập tổ công tác liên ngành đặc biệt, do lãnh đạo tỉnh chủ trì, để kiểm tra, giải quyết ngay tại hiện trường, những đơn vị nào năng lực kém, yêu cầu rút giấy phép. Tranh thủ mùa khô, cho phép tổ chức thi công ban đêm, lưu ý các phương án bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc, tai nạn. Tiến độ chốt về GPMB vẫn phải bảo đảm xong trước ngày 31-3, trừ một số ít địa phương còn khó khăn xin châm chước, sẽ phải hoàn thành trong tháng 4. Sang tháng 5, Chính phủ sẽ tổ chức giao ban công tác này một lần nữa để tổng kết, biểu dương các tỉnh làm tốt và phê bình những nơi chậm trễ.