Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu tổng thể - Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới trị giá khoảng 301 triệu USD. Đây là dự án cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường quốc lộ sử dụng vốn vay ODA có quy mô vốn, địa bàn trải rộng nhất trong cả nước trong vài năm tới.
Theo kế hoạch đấu thầu tổng thể được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Dự án được chia làm 2 phần là phần sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, vốn AusAid và vốn đối ứng trong nước.
Cụ thể, phần vốn vay ODA gồm Hợp phần A - Quản lý tài sản đường bộ với 3 gói thầu quy mô từ 0,8 triệu USD - 8 triệu USD, lựa chọn nhà thầu tư quý II/2014 - quý II/2015.
Hợp phần B - Bảo trì quốc lộ gồm 6 gói thầu bảo trì có giá gói thầu từ 9,83 triệu USD đến 13,5 triệu USD, áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, thời gian chọn nhà thầu từ quý II/2014; 3 gói thầu giám sát độc lập môi trường, cung cấp thiết bị văn phòng, ô tô cho Dự án.
Hợp phần C- Nâng cấp tài sản đường bộ gồm 3 gói thầu xây lắp có giá gói thầu từ 10,8 - 23 triệu USD, áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, thời gian đấu thầu từ quý II/2014; 3 gói thầu giám sát độc lập môi trường; kiểm toán nội bộ.
Hợp phần D -Tăng cường năng lực gồm 2 gói thầu có quy mô từ 0,5 - 1 triệu USD, có mục tiêu giúp vận hành Quỹ bảo trì đường bộ, xây dựng bộ thiết kế định hình các hạng mục công trình giao thông.
Phần sử dụng vốn đối ứng trong nước được Bộ Giao thông vận tải chia thành 10 gói thầu, chủ yếu là các gói thầu bảo hiểm công trình; kiểm định chất lượng, lập các định mức về bảo trì và nâng cấp đường bộ.
Dự án có tổng mức đầu tư 301,7 triệu USD, tương đương 6.305 tỷ đồng sẽ tiến hành bảo trì 328 km đường Quốc lộ 2, Quốc lộ 18, Quốc lộ 48, Quốc lộ 6; nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng là Quốc lộ 38, Quốc lộ 39, Quốc lộ 38.
Dự kiến, Dự án có thời gian thực hiện 2014 -2020 sẽ vay 250 triệu USD từ WB, 1,7 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, 50 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.