Sáng nay (6/4), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tiến hành thông xe kỹ thuật đưa vào khai thác tạm gói thầu A2 và một phần gói A3 có chiều dài gần 30km thuộc dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Gói thầu A2 và A3 thuộc đoạn từ quốc lộ 2B (Km24+640) đến quốc lộ 2 (Km54+640) có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng. Cụ thể, gói thầu A2 có chiều dài 22,12 km đi qua các huyện Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô (Vĩnh Phúc) và một phần của thành phố Việt Trì (Phú Thọ) với tổng kinh phí 2.278 tỷ đồng. Gói thầu A2 có 19 công trình cầu với tổng chiều dài 2,3 km; trong đó có 30 cống hộp dân sinh, 91 cống thoát nước, 1 trạm thu phí...
Gói thầu A3 có tổng chiều dài 31,64 km đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ do nhà thầu POSCO E&C thi công với kinh phí 2.385 tỷ đồng. Các hạng mục chính của gói thầu này bao gồm: 10 cầu, 3 trạm thu phí. Đến nay, gói thầu này đã hoàn thành được 86% khối lượng và đã hoàn thiện đủ điều kiện để thông xe các hạng mục còn lại.
Theo đánh giá của VEC, việc đưa 2 đoạn tuyến trên vào khai thác sẽ mở rộng phạm vi lưu thông trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai từ Hà Nội đến các tỉnh khu vực phía Bắc, giảm tải áp lực và tai nạn giao thông cho tuyến quốc lộ 2 tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế các tỉnh phía Bắc.
“Với việc đưa vào khai thác gói thầu này, tổng thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) được rút xuống còn hơn một giờ đồng hồ”, đại diện VEC nhấn mạnh tại buỗi lễ thông xe sáng nay.
Để phục vụ người dân đi lễ hội Đền Hùng năm nay, VEC cho biết, trong thời gian lễ hội, Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam sẽ không thu phí đối với đoạn đường từ nút giao quốc lộ 2B (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đến nút giao quốc lộ 2 (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), phục vụ đồng bào cả nước và khách thập phương về dự lễ Giỗ Tổ.
Đây là gói thầu thứ 4 của tuyến cao tốc dài 245km đi qua 5 tỉnh từ Hà Nội – Lào Cai được thông xe và đưa vào sử dụng. Trước đó, ngày 27/12/2013, gói thầu xây lắp A1 đầu tuyến có chiều dài 26,78 km và ngày 2/3/2014, gói thầu xây lắp A8 có chiều dài 26,115 km đã được thông xe kỹ thuật đưa vào khai thác tạm. Tiếp đó, ngày 1/4 vừa qua, gói thầu A7 dài hơn cũng đã được thông xe và đưa vào sử dụng.
Như vậy, đến thời điểm này, đã có hơn 110km của tuyến cao tốc dài hơn 245km từ Hà Nội - Lào Cai được thông xe và đưa vào sử dụng. Nếu theo đúng tiến độ, hết quý I năm nay, gói thầu A5 cũng đã phải hoàn thành để thông xe và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được hoàn thành.
Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ được đưa ra là, do thời tiết ở Yên Bái mưa nhiều nên việc thi công công trình của các nhà thầu bị chậm lại. Ngoài ra, các đường công vụ để vận chuyển vật liệu ở Yên Bái nhỏ hẹp nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ của dự án.
Hiện ngoài gói thầu A5 đang được các đơn vi thi công tích cực hoàn thành, 3 gói thầu khác của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đang được các nhà thầu tích cực thi công để sớm thông xe toàn tuyến vào tháng 6 tới đây.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư ngày 5/11/2007, với tổng chiều dài tuyến (theo giai đoạn 1) là 245km đi qua T.P Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai được chia làm 8 gói thầu xây lắp.
Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1): 19.984 tỷ đồng, tương đương 1.249 triệu USD bao gồm: Vay ưu đãi ADF (ADB) 200 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 896 triệu USD và vốn đối ứng (trái phiếu công trình) là 153 triệu USD.
Theo đánh giá, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc.
Dự án triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ.
Dự án còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và tạo động lực cho công tác khai thác du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.