Để thực hiện việc hoàn thổ sau khi khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đá) và tạo quỹ đất sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Vũ Hải Lâm (trụ sở tại phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương) đang thực hiện việc san lấp, cải tạo khu đất bãi rộng khoảng 3ha ở xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô thành đất sản xuất nông nghiệp. Đây là diện tích bãi sông được bồi lấp nhưng đã bị nhiều đối tượng khai thác cát, sỏi từ nhiều năm trước biến thành vùng hoang hóa, không thể sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Năm 2011, UBND tỉnh đã cấp phép diện tích nêu trên cho doanh nghiệp để nạo vét dòng chảy, tận thu cát, sỏi, đá.
Trong quá trình khai thác, đơn vị sở hữu mỏ cát, sỏi trên là Công ty TNHH Vũ Hải Lâm thấy khu đất rộng 3ha tại xóm Cúc Lùng sau khi khai thác xong sẽ thành vùng trũng, có nguy cơ nước sông Cầu sẽ tiếp tục cuốn sâu vào bờ phía xã Phú Đô. Việc hoàn thổ là trách nhiệm của đơn vị khai thác nhưng hoàn thổ và cải tạo thêm thành đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả mới là điều đáng bàn. Nhận thức được điều đó, Công ty đã đề nghị với chính quyền địa phương cho phép sử dụng những vật liệu thừa trong quá trình khai thác cát, sỏi để tái lấp mặt bằng, vận chuyển đất mầu tôn tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh Phạm Việt Hưng, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Vũ Hải Lâm cho biết: Chúng tôi đã sử dụng 2 máy xúc, 4 ô tô tải, 1 tầu quốc để khơi thông dòng chảy, tái lấp những khu vực trũng dọc theo bờ sông Cầu với độ cao trung bình là 3m và đổ thêm lớp đất mầu dày 0,7m. Yêu cầu kỹ thuật là sau khi san lấp, dòng sông vẫn có đủ độ rộng, được khơi dòng để đảm bảo thoát nước nhanh nhất khi có lũ lớn và diện tích bãi sông rộng 3ha này sẽ trở thành vùng đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Theo tính toán của lãnh đạo Công ty TNHH Vũ Hải Lâm, mức chi phí để tái lấp mặt bằng, cải tạo 3ha đất bãi thành đất sản xuất nông nghiệp; khơi thông nắn dòng chảy sông Cầu và tạo kè chắn để bảo vệ quỹ đất hai bên bờ sông Cầu thuộc xã Hòa Bình và xã Phú Đô sẽ hết khoảng 400 triệu đồng. Đây là khoản tiền không quá lớn nhưng đem lại nhiều lợi ích: Doanh nghiệp có điểm đổ thải tại chỗ; hạn chế sạt lở 2 bên bờ sông và tạo ra quỹ đất sản xuất nông nghiệp...
Ông Vũ Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hải Lâm cho biết: Chúng tôi thực hiện việc làm này với 2 mục tiêu là khai thác được tài nguyên nhưng không làm ảnh hưởng quá lớn đến môi trường như cam kết với tỉnh. Điều quan trọng hơn là tạo được quỹ đất sản xuất nông nghiệp sau khi đã khai thác hết khoáng sản là vô cùng hữu ích, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện xem xét cho doanh nghiệp tiếp tục thuê diện tích đất nêu trên sau khi đã hoàn thành việc cải tạo để đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch.
Sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh ta có chiều dài trên 100km, nhiều điểm quỹ đất bãi 2 bên bờ sông đã được cấp phép khai thác cát, sỏi nên tạo thành những vùng “đất chết”, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cảnh quan. Do vậy, việc tái lấp mặt bằng sau khai thác, tái tạo quỹ đất sản xuất nông nghiệp khi khai thác hết khoáng sản như Công ty TNHH Vũ Hải Lâm đang thực hiện là việc làm thiết thực, nhằm hạn chế biến đổi dòng chảy và sạt lở đất 2 bên bờ sông Cầu.