Những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế có những khó khăn nhất định, nhưng hoạt động đầu tư xây dựng các khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh lại gia tăng, trở thành "hội chứng" thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án triển khai hiệu quả thì còn rất nhiều dự án KDC vẫn chỉ nằm trên giấy, hoặc nếu có cũng triển khai rất chậm so với quy định.
Ngoài ngành cũng "xin" đầu tư
Đó là thực tế mà chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay từ khi nhà đầu tư công khai công bố dự án KDC. Đã một số lần chúng tôi được tham dự buổi công bố quy hoạch chi tiết các KDC mới trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Sau mỗi lần đó, chúng tôi đều tự hỏi, tại sao chủ đầu tư xây dựng KDC lại là một doanh nghiệp chuyên khai thác và chế biến khoáng sản hoặc một nhà đầu tư tài chính, một đơn vị kinh doanh thương mại, mà không phải là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, san nền hay đầu tư bất động sản...?
Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Bia và nước giải khát Thái Nguyên. Trong hai năm (2009 và 2011), đơn vị này đã được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư hai dự án là: Dự án Khu đô thị Nam sông Cầu và Dự án xây dựng đường giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị mới phía Nam, T.P Thái Nguyên. Theo quy định thì các đơn vị không chuyên sau khi bổ sung lĩnh vực kinh doanh vẫn có thể là chủ đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực không chuyên đó. Tuy nhiên, một điều dễ hiểu là khi đã chuyên việc gì thì chắc chắn sẽ làm tốt việc đó. Cũng bởi chưa chuyên nghiệp nên cả hai Dự án trên của Công ty CP Bia và nước giải khát Thái Nguyên sau nhiều tháng triển khai, đến nay tiến độ mới đang dừng lại ở giai đoạn trình thẩm định phê duyệt. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì chủ đầu tư của hai dự án này chưa tích cực trong triển khai thực hiện các thủ tục và để quá chậm so với kế hoạch đề ra.
Ngoài việc không chuyên, nhiều nhà đầu tư xây dựng KDC trên địa bàn còn thiếu năng lực tài chính, đầu tư dàn trải và có xu hướng đầu tư theo trào lưu. Nghĩa là, thấy doanh nghiệp này được cấp quỹ đất đầu tư KDC thì doanh nghiệp khác cũng "cậy cục" có được một dự án bất động sản để đầu tư, dần dần trở thành "hội chứng" xấu trong lĩnh vực này. Bởi thế, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đã có 40 đến 50 dự án đầu tư xây dựng KDC, với cả chục nghìn lô đất các loại, trong khi nhu cầu thực về nhà ở của người dân địa phương chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Khi đã là "hội chứng" tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung, cầu.
Nhiều dự án "treo"
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công bố kết quả kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng KDC trên địa bàn. Theo đó, sau khi tiến hành kiểm tra đã phát hiện có 30 dự án KDC triển khai chậm tiến độ. Cơ quan này cũng chính thức đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi 8 dự án KDC triển khai quá chậm so với kế hoạch, hoặc không khả thi. Xin điểm tên một số dự án KDC như vậy. Đầu tiên là Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Túc Duyên do Công ty CP bất động sản Detechland làm chủ đầu tư từ năm 2012, nhưng hiện vẫn chưa lập được quy hoạch chi tiết. Do nhà đầu tư đang thực hiện quá nhiều dự án cùng một lúc nên tính khả thi của dự án này không cao, đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi.
Tiếp theo là các dự án triển khai quá chậm gồm: Dự án đầu tư vào Khu đô thị phía Tây T.P Thái Nguyên do Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng Khu dân cư Bắc Đại học Công nghiệp của Công ty CP Vận tải xây dựng và Thương mại Hoàng Minh; Dự án Khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư số 3 phường Quang Vinh và Dự án Khu dân cư số 7, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên của Công ty Cp Đầu tư và xây dựng Thái Nguyên...
Các dự án không đủ năng lực thực hiện hoặc chủ đầu tư đề nghị tạm dừng, bàn giao lại gồm: KDC Phúc Lộc, xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên của Công ty CP tư vấn xây dựng và đầu tư phát triển đô thị Thái Nguyên; Xây dựng KDC Đồng Bẩm của Công ty CP Thương mại Thái Hưng; Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam Sông Cầu, phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên của Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng QT... Việc tồn tại nhiều dự án "treo" đã gây khó khăn không nhỏ cho đời sống sinh hoạt của người dân trong diện ảnh hưởng. Nhiều gia đình vùng dự án đã phải khổ sở vì ''đi không được, ở không xong''.
Theo ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Về khách quan, do tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất tín dụng cao, khiến các doanh nghiệp đầu tư cầm chừng. Do có sự biến động về một số cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về đất đai, đã ảnh hưởng đến tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, thị trường bất động sản hiện vẫn chưa được cải thiện nhiều. Về chủ quan, một số nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Cá biệt có nhà đầu tư thực hiện đồng thời nhiều dự án dẫn đến không đảm bảo năng lực tài chính.
Cần nhìn lại công tác thẩm định, giám sát
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh cũng thừa nhận: Do quy định của pháp luật về đầu tư và các luật khác liên quan còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, nên việc thẩm định năng lực tài chính của của cơ quan chức năng đối với nhà đầu tư thực hiện một số dự án còn hạn chế. Bởi vậy, một số nhà đầu tư năng lực yếu vẫn được triển khai dự án, dẫn tới tiến độ triển khai quá chậm. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với một số dự án của các ngành, địa phương còn hạn chế, chưa tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh để kiên quyết xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ. Việc phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho chủ đầu tư của các ngành, địa phương còn chưa kịp thời. Ở một số bộ phận cán bộ chưa tham mưu kịp thời, chính xác trong giải quyết công việc liên quan, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi thực hiên dự án.
Theo chúng tôi, các ngành, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng và triển khai thực hiện tốt công tác thẩm định ngay từ khi có chủ trương chấp thuận đầu tư dự án. Thẩm định ở đây không chỉ về năng lực tài chính mà cả về lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động, khả năng triển khai đầu tư và uy tín doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, giám sát cũng vậy, cần phải thường xuyên, liên tục, khách quan, chuyên nghiệp trên cơ sở đúng nguyên tắc, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là cần có hình thức xử lý quyết liệt và nghiêm khắc đối với những dự án đăng ký nhằm mục đích... giữ đất hoặc triển khai quá chậm so với tiến độ, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn cho nhân dân vùng dự án.