Tình hình đã ổn định trở lại tại các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) - nơi có những hành động biểu tình vì quá khích. Các địa phương và cơ quan chức năng cam kết sẽ bảo vệ các nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã hoạt động trở lại
Ông Dương Hồng Chí, Tổng giám đốc Formosa Hà Tĩnh cho biết, sau khi 100% cán bộ, nhân viên của Formosa Hà Tĩnh và một số nhà thầu đã quay trở lại làm việc từ cuối tuần qua, dự kiến hôm nay (19/5), toàn bộ nhà thầu thi công trên công trường Dự án Liên hợp Thép Formosa sẽ hoạt động bình thường, nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận tại các KCN, KKT ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM - những địa phương đầu tiên nổ ra các cuộc biểu tình tự phát, có những hành động quá khích, đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần qua, đã có hơn 60% doanh nghiệp ở VSIP Bình Dương quay trở lại làm việc. Công ty TNHH liên doanh Việt Nam - Singapore (VSIP) cho biết, trong tổng số 99 công ty bị ảnh hưởng, ngoài 4 công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan bị thiệt hại về nhà xưởng do cháy lớn, các công ty còn lại chỉ bị thiệt hại không đáng kể về tài sản.
Trong khi đó, ở Đồng Nai, gần 100 doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc và các cơ quan chức năng tại địa phương vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất.
Cùng với động thái tích cực là các doanh nghiệp FDI đã quay trở lại làm việc, thì tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của gần 400 người trong tổng số hơn 800 người bị bắt giữ do liên quan việc lợi dụng diễu hành phản đối Trung Quốc để gây rối, đập phá các nhà máy của doanh nghiệp FDI. Con số này ở Hà Tĩnh là 76 người.
“Chính sự vào cuộc kịp thời của các địa phương đã tạo được niềm tin để chúng tôi quay trở lại làm việc”, giám đốc một doanh nghiệp của Đài Loan ở Đồng Nai cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Marc Townsend, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại TP.HCM đã đánh giá cao những động thái của Chính phủ và các địa phương trong việc lập lại an ninh trật tự, cũng như có những hành động thích hợp đối với các phần tử gây rối. “Đó là những phản ứng rất nhanh và tức thời. Chúng tôi hoan nghênh những hành động này”, ông Marc Townsend nói.
Cam kết bảo vệ nhà đầu tư
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư đã bày tỏ sự quan ngại khi những hành vi gây rối, đập phá nhà máy của các phần tử xấu sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
“Chúng ta đã mất biết bao thời gian, công sức để xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư tư thân thiện, an toàn. Nếu tình hình này không sớm chấm dứt, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn chúng ta với con mắt khác, tất cả công sức mà chúng ta dày công xây dựng sẽ đổ xuống sông, xuống biển”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Thực tế, như lời ông Marc Townsend đã nói, đây là lần đầu tiên, chuyện đập phá nhà máy của các nhà đầu tư nước ngoài xảy ra ở Việt Nam và việc này đang đi ngược lại với những kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Thông tin trong những ngày qua, các hiệp hội doanh nghiệp FDI cũng đã bày tỏ sự lo lắng trước tình hình phức tạp tại một số KCN. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã lên tiếng đề nghị chính quyền địa phương phải có những động thái tích cực để bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài, giúp họ an tâm sản xuất, đầu tư.
Vì thế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điều quan trọng trong lúc này là phải bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài. “Mọi người dân Việt Nam và người lao động đều có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư vì lợi ích của đất nước và vì lợi ích của chính bản thân họ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định rằng, phải tỉnh táo, bình tĩnh để không lặp lại những sự việc đáng tiếc như vậy. Không chỉ là lời khẳng định từ người đứng đầu cơ quan nhà nước về quản lý đầu tư nước ngoài, hiện các địa phương đều đã lên kế hoạch để chủ động bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.
UBND tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi xảy ra chuyện đập phá nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự trong các KCN.
“Chủ đầu tư các KCN VSIP, Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Thuận Thành 3, Hanaka… phải thông báo tới các công ty trong KCN tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự ngay trong nhà máy sản xuất của mình, kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường báo cáo cơ quan công an và chính quyền địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến chỉ thị.
Trong khi đó, theo khẳng định của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, TP.HCM cam kết đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài. Các địa phương khác, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hà Tĩnh… cũng có những động thái tương tự.
“Chúng tôi liên tục xuống địa bàn để nắm tình hình, vừa tuyên truyền cho người lao động, người dân Việt Nam hiểu, vừa động viên tinh thần các nhà đầu tư. Họ đã hiểu và tin tưởng. Chúng tôi sẽ không để xảy ra tình trạng tương tự”, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi có dự án lớn của nhà đầu tư Đài Loan cho biết.