Kè Xuân Vinh, thuộc địa bàn xóm Xuân Vinh, xã Trung Thành (Phổ Yên) được xây dựng với mục tiêu chống xói lở bờ sông, bảo vệ vị trí xung yếu của tuyến đê sông Công. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng vào tháng 8-2011, đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thiện khiến người dân lo lắng cho sự an toàn của tuyến đê.
Có mặt tại khu vực đang xây dựng kè Xuân Vinh vào một này cuối tháng 6-2014, chúng tôi thấy vật liệu xây dựng xếp ngổn ngang trên bờ đê sông Công. Trong những bụi cây ven đê, có khá nhiều tấm bê tông lát mái đã mọc rêu, đổi màu hoen ố. Tại vị trí này, bờ đê sông Công đã được đào, bóc bớt phần đất phong hóa tiếp giáp bờ sông, tạo mái dốc xuống chân đê và kè Xuân Vinh đã xây dựng được tường khóa mái đầu, cuối, chân kè và phần dưới thân kè. Nửa trên thân kè chưa được lát tấm bê tông, trơ ra phần đất đang bị xói mòn do mưa, lũ. Ông Trịnh Văn Toàn, một người dân sống gần vị trí xây dựng kè Xuân Vinh cho biết: “Năm 2011, tôi thấy các đơn vị đến đây thi công khoảng 4 tháng, đến cuối năm 2013, một số đơn vị tiếp tục xây dựng khoảng hơn 2 tháng nữa. Từ đó đến nay, tôi không thấy đơn vị nào đến thi công tại khu vực này”.
Quan sát khu vực xây dựng kè Xuân Vinh, chúng tôi thấy dòng nước chảy từ thượng nguồn sông Công đến điểm này thì uốn khúc 90 độ, đổi dòng, dồn toàn bộ vào thân đê. Vì vậy, từ trước tới nay, khu vực này vẫn được coi là vị trí đê xung yếu, cần được gia cố. Ông Phạm Công Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: “Đây là vị trí đê xung yếu nên luôn được xã quan tâm bảo vệ đặc biệt và xây dựng phương án phòng chống lụt bão chi tiết. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, thân đê đã bị bóc mỏng hơn trước, trong khi phía trên thân đê chưa được cứng hóa nên xã khá lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ tới”.
Kè Xuân Vinh được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng theo Quyết định số 1368/QĐ-UBND ngày 16-6-2010, sau đó được cho phép điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực địa, đảm bảo dòng chảy thuận lợi vào tháng 4-2012. Trên cơ sở thiết kế điều chỉnh, kè Xuân Vinh có chiều dài 286,8m, chân kè thả rồng đá (rọ sắt đường kính 60cm, dài 10m trong xếp đầy đá) và đá hộc để tạo mái, phần mái kè được lát bằng các tấm bê tông đúc sẵn, phía trên mái được khóa cố định bởi đỉnh kè gồm rãnh thoát nước mặt và dầm đỉnh kè. Tổng dự toán công trình ban đầu (năm 2010) là gần 15 tỷ đồng và sau điều chỉnh (năm 2012) giảm xuống hơn 6,5 tỷ đồng với nguồn vốn được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Theo tiến độ thi công ghi trong Quyết định số 1368/QĐ/UBND, kè Xuân Vinh cần hoàn thành trong năm 2011. Tuy nhiên tới nay, các đơn vị mới thi công phần chân và một phần thân kè, đạt khoảng 70% tổng khối lượng công trình.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, đại diện chủ đầu tư Dự án kè Xuân Vinh cho biết: Do nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho việc xây dựng kè hạn hẹp nên đến thời điểm này, các đơn vị thi công vẫn chưa thể hoàn thành công trình. Sau khi được phê duyệt vào năm 2010, năm 2011, Chi cục đã nhận được 2 tỷ đồng, giao cho các nhà thầu thi công từ ngày 1-8-2011 đến 16-12-2011 và hoàn thành các hạng mục: đổ bê tông tấm lát mái, bóc phong hóa ngoài đê, tạo độ dốc thân đê theo thiết kế. Năm 2012, xét thấy nguồn kinh phí hạn hẹp, công trình được điều chỉnh thông số kỹ thuật, giảm tổng nguồn vốn đầu tư xuống 6,5 tỷ đồng nhưng vẫn phải tạm dừng do chưa bố trí được vốn. Đến năm 2013, công trình được đầu tư thêm 2 tỷ đồng và từ ngày 4-11-2013 đến ngày 25-12-2013, các nhà thầu đã hoàn thành phần chân kè, tường khóa mái kè, lát tấm bê tông nửa dưới thân kè. Tuy nhiên, năm 2014, công trình lại tiếp tục phải tạm dừng do chưa bố trí được vốn.
Về vấn đề an toàn tuyến đê sông Công mùa mưa lũ, ông Nguyễn Trường Thành nhấn mạnh: “Mặc dù chưa hoàn thành nhưng kè Xuân Vinh đã xây dựng được chân kè và nửa mái dưới khá vững chắc, đảm bảo an toàn, ngay cả khi có lũ lớn xảy ra. Do đó, trong mùa lũ năm nay, bà con xã Trung Thành yên tâm là không có trường hợp xấu nào có thể xảy ra tại vị trí kè Xuân Vinh”.
Có thể thấy, việc xây dựng kè Xuân Vinh là cần thiết, đóng vai trò quan trọng bảo vệ vị trí xung yếu của tuyến đê sông Công. Mặc dù hiện nay, vị trí này chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường, nguy hiểm nhưng nếu tình trạng này kéo dài nhiều biến cố có thể xảy ra. Do đó, các cơ quan chức năng nên quan tâm, tạo điều kiện về nguồn vốn để công trình sớm hoàn thành, đảm bảo an toàn đê sông Công, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão.