Samsung Việt Nam đặt hàng 100 DN làm nguyên phụ liệu

14:30, 07/07/2014

Sự thức thời của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ đang tạo điều kiện đổi chất các ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không vẫn là câu hỏi khó.

Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cuộc làm việc giữa Công ty Samsung Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp sẽ được tổ chức trong ít ngày tới. Khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam đã được VAFIE mời tham gia.
            

“Samsung Việt Nam sẽ nói họ cần những gì, với tiêu chí, tiêu chuẩn ra sao và cách thức để các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng của họ”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch VAFIE cho biết.

Không chỉ chia sẻ thông tin và nhu cầu, ông Toàn nói thêm, Samsung Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ với những doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, đảm bảo được khả năng cung ứng nguyên phụ liệu đúng theo yêu cầu của các doanh nghiệp này.

“Nếu kết nối thành công, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều khi trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của Samsung”, ông Toàn kỳ vọng.

Việc chủ động tìm kiếm nhà cung cấp nguyên phụ liệu tại chỗ của Samsung Việt Nam rõ ràng là động thái tích cực để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của Tập đoàn này, hiện mới khoảng 30%.

Tạm không bàn tới hiệu quả của kế hoạch này từ góc độ hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung Việt Nam, chỉ nói tới góc độ lợi ích của nền kinh tế, thì với con số xuất khẩu kỷ lục 23,9 tỷ USD trong năm 2013, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ khiến lo ngại về tình trạng “xuất khẩu hộ” mà các chuyên gia kinh tế nhắc tới lâu nay sẽ giảm đần. Đặc biệt, như ông Toàn đề cập, doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ có cơ hội tiếp cận với công nghệ, thị trường thế giới thông qua ông lớn Samsung.

“Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi về chất trong đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam”, ông Toàn phân tích.

Tuy nhiên, cả hai sự kỳ vọng này vẫn đang là toán chưa có lời giải. Bởi, đây không phải là lần đầu doanh nghiệp FDI chủ động tìm kiếm nhà cung cấp nội địa.

Hội chợ ngược mà các doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức thường niên đã vài năm nay, nơi trung bày mẫu các sản phẩm trong lĩnh vực ô tô, xe máy, điện, điện tử mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mua từ doanh nghiệp Việt Nam, dù có kết quả nhưng vẫn không tạo ra được sự bứt phá nào về tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo điều tra mới nhất của JETRO, tỷ lệ mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản mua tại Việt Nam rất thấp. Năm 2012 chỉ đạt 27,9%. Năm 2013 đã tăng lên 32,3%, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ này ở các nước trong khu vực như Indonesia (43%), Thái Lan (53%) hay Trung Quốc (61%).

Đáng nói là trong số này, nguồn cung chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung ứng được nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp Nhật Bản chỉ khoảng 13,2%”, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Jetro tại TP.HCM cho biết.

Tình hình đang diễn ra  tương tự nếu nhìn vào các động thái chuẩn bị cho các hiệp định thương mại tự do mới. Doanh nghiệp FDI tiếp tục đi trước một bước.

“Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa ký, nhưng chỉ trong nửa đầu năm nay, hơn 1,2 tỷ USD đã đổ vào lĩnh vực dệt may. Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may vẫn đang lấn cần với hàng loạt những tiêu chí về môi trường… trong các lĩnh vực dệt, nhuộm…”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn Chính sách Thương mại quốc tế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nói.

Không ngẫu nhiên, chủ đầu tư các dự án sản xuất sợi, nhuộm lại đồng loạt bày tỏ ý định đầu tư sâu rộng ở Việt Nam. Họ đang muốn hạn chế việc nhập nguyên liệu sợi từ nước ngoài phục vụ cho ngành dệt may trong nước để tận dụng các cơ hội về nguồn gốc xuất xứ theo quy định của TPP.

Thực tế này đang đe dọa miếng bánh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Khi doanh nghiệp FDI đang giữ vị trí áp đảo trong sản xuất hàng xuất khẩu, dòng vốn FDI đang đổ mạnh hơn vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, xu hướng  khép kín đang lộ rõ trong nội bộ khu vực FDI, thì  nếu chậm chân, doanh nghiệp Việt Nam lại rơi sâu vào tình trạng chờ đến lượt để được làm gia công.