Đầu tư phát triển tiếp tục ổn định

07:46, 21/08/2014

(TN) - Mặc dù tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn có những giải pháp tích cực để tăng đầu tư phát triển bằng nguồn vốn trong nước và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 7, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước ước đạt 111.561 tỷ đồng, bằng 60,2% kế hoạch năm, tăng 3% so cùng kỳ năm 2013. Bao gồm vốn Trung ương quản lý đạt 25.615 tỷ đồng, bằng 64,8% kế hoạch năm, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý 85.946 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch năm, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có vốn ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển lớn là: Hà Nội đạt 12.691 tỷ đồng; T.P Hồ Chí Minh đạt 8.746 tỷ đồng; Đà Nẵng 2.530 tỷ đồng;  Bà Rịa - Vũng Tàu 2.202 tỷ đồng; Nghệ An 2.164 tỷ đồng; Thanh Hoá 2.149 tỷ đồng;Vĩnh Phúc 2.105 tỷ đồng…

 

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, cả nước có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó tỉnh Bắc Ninh có số vốn được đăng ký cao nhất, đạt 1.261 triệu USD, chiếm 18,4 % tổng số vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo là T.P Hồ Chí Minh đạt 981,1 triệu USD, chiếm 14,3%; Quảng Ninh 568,4 triệu USD, chiếm 8,3%; Hải Phòng 486,6 triệu USD, chiếm 7,1%; Bình Dương 381,5 triệu USD, chiếm 5,6%; Đồng Nai 342,5 triệu USD, chiếm 5%; Hải Dương 304, 7 triệu USD, chiếm 4,4% … Thái Nguyên vẫn tiếp tục là một trong những địa phương có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào loại khá trong 7 tháng đầu năm nay, với 17 dự án và số vốn đăng ký gần 130 triệu USD.

 

Tính đến cuối tháng 7, cả nước có 889 dự án được cấp phép mới với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 6.858,7 triệu USD, tăng 17,7% số dự án, trong khi số vốn đăng ký chỉ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi số vốn đăng ký đạt 6.662,2 triệu USD, chiếm gần 70% tổng số vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1.130,8 triệu USD, chiếm 11,9%; ngành xây dựng đạt 547,6 triệu USD, chiếm 5,7%; các ngành còn lại đạt 1.196 triệu USD, chiếm 12,5%.

 

Về các nhà đầu tư nước ngoài, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của Chính phủ trên Cổng Thông tin điện tử: Trong 7 tháng qua có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án và vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam được cấp mới, trong đó Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 2.407 triệu USD, chiếm 35,1% tổng số vốn đăng ký cấp mới; tiếp đó là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), 1.004,9 triệu USD, chiếm 14,7%; Nhật Bản, 643,4 triệu USD, chiếm 9,4%; Singapore, 592,5 triệu USD, chiếm 8,6%; Đài Loan (Trung Quốc), 405,9 triệu USD, chiếm 5,9%; Indonesia, 352,7 triệu USD, chiếm 5,1%; Quần đảo Virgin (Anh), 254,6 triệu USD, chiếm 3,7%…

 

Với đầu tư phát triển tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định chính là những yếu tố quan trọng để kinh tế đất nước tiếp tục vượt qua khủng hoảng, bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay.