Nhà đầu tư APEC: Từng bước lấy lại lòng tin

17:31, 14/08/2014

Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ta từ năm 2009. Đến năm 2011, doanh nghiệp này đã song song triển khai tới 3 dự án có quy mô lớn trên địa bàn. Tuy vậy, điều đáng buồn là cả 3 dự án này đều chậm tiến độ so với cam kết, khiến lòng tin của tỉnh với nhà đầu tư bị mai một. Để lấy lại chữ tín, thời gian qua APEC đã phải nỗ lực rất nhiều, trong đó việc chứng minh đủ năng lực tài chính là điều đáng nói nhất.

Cuối năm 2013, trước sự chậm trễ kéo dài của APEC, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn của doanh nghiệp này. Cuối tháng 6-2014, Thường trực Tỉnh ủy đã chính thức thông qua nội dung kết quả của Đoàn kiểm tra. Đại diện cho Tổ giúp việc của Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận xét: Cả 3 dự án do APEC đầu tư đều có những tồn tại, vướng mắc, trong đó điều đáng lưu tâm nhất chính là năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế và yếu.

 

Kết quả kiểm tra cụ thể như sau: Với Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) tiến độ còn rất chậm. Theo kế hoạch thì giai đoạn 1, khởi công vào quý III năm 2010 và phải hoàn thành trong quý IV năm 2012; giai đoạn 2 khởi công quý I năm 2012 và hoàn thành trong quý IV năm 2014, nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 40% tiến độ. Tổng mức đầu tư theo phê duyệt là trên 141 tỷ đồng, nhưng nay mới thực hiện được hơn 62 tỷ đồng. Theo yêu cầu thì phải xây tòa nhà 4 tầng để bán hoặc cho thuê, nhưng nay vẫn chưa thể triển khai.

 

Còn với Dự án Khu dân cư số 5 phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), những tồn tại cũng tương tự như dự án trên. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của Dự án phải hoàn thành xong trong quý IV năm 2011; giai đoạn 2 phải xong trong quý IV năm 2014, nhưng tại thời điểm kiểm tra, dự án mới giải phóng mặt bằng được 3,5ha trên tổng số hơn 40ha được phê duyệt. APEC chưa xây dựng được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với diện tích còn lại. Cuối cùng là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Dự án này được đánh giá là quá chậm so với thời gian thực hiện theo Giấy chứng nhận đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư chưa được triển khai đầy đủ khiến dự án gặp khó khăn. Hơn nữa, nguồn kinh phí dành cho dự án này được nhà đầu tư bố trí nhỏ giọt, nên thiếu hiệu quả.

 

Được biết, trước khi tiến hành kiểm tra tổng thể các dự án của APEC, UBND tỉnh cũng như các ngành của tỉnh đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Bằng chứng rõ nhất là việc tỉnh tiếp tục cho phép APEC thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy mặc dù Giấy chứng nhận đầu tư Dự án này đã hết thời hạn từ tháng 6-2011. Tuy nhiên, APEC vẫn tiếp tục để chậm tiến độ.

 

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra thì việc để chậm tiến độ các dự án của APEC là do doanh nghiệp này đầu tư quá dàn trải trong khi khả năng tài chính có hạn. Đã có lúc tưởng chừng nhà đầu tư APEC không còn khả năng để tiếp tục triển khai các dự án. Thời điểm đó, tỉnh đã có ý định thu hồi một trong ba dự án của doanh nghiệp này để chuyển giao cho đơn vị khác có khả năng hơn, nhưng cũng may chính "liều thuốc thử" đó đã khiến APEC vượt qua rào cản về tài chính và có trách nhiệm hơn với dự án.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toản, Tổng Giám đốc APEC chia sẻ: "Doanh nghiệp thực hiện các dự án trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn nên nguồn tài chính của đơn vị cũng hạn hẹp theo. Điều đó khiến tất cả các dự án của APEC đều bị chậm tiến độ. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề đó, thời gian gần đây, Công ty đã rất nỗ lực để khẳng định với tỉnh về năng lực triển khai các dự án của mình. Công ty cũng cam kết sẽ không để tái diễn tình trạng chậm trễ như trên". Bằng chứng quan trọng mà ông Toản đưa ra là Bản cam kết, chứng minh của APEC với tỉnh về năng lực tài chính. Công ty đã có kế hoạch chuẩn bị khá chi tiết nguồn vốn đầu tư với đầy đủ các bảng kê xác nhận kèm theo.

 

Cụ thể: Công ty đang sở hữu một lượng tiền mặt tại các ngân hàng và trên thị trường chứng khoán là hơn 107 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đã làm việc với Ngân hàng OCB và đã có được cam kết tín dụng cho mỗi dự án là 100 tỷ đồng. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu vốn, Công ty đã mời gọi đối tác nước ngoài với những cam kết sẽ đầu tư vào các dự án nói trên trong thời gian sớm nhất. Hội đồng quản trị Công ty cũng đã phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên thành 500 tỷ đồng. Hiện tại, Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy đã có ít nhất 2 nhà đầu tư thứ cấp ký hợp đồng trị giá trên 50 tỷ đồng và một số nhà đầu tư khác cũng đã đồng ý đầu tư vào đây với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

 

Hiện tại, theo khảo sát thực tế của chúng tôi, cả 3 dự án của APEC đều đang được nhà đầu tư quan tâm triển khai. Giai đoạn 2 của Dự án Khu dân cư số 5 đang được nhà đầu tư triển khai các bước giải phóng mặt bằng, phấn đấu đầu tư xây dựng các hạng mục quan trọng trong quý II năm 2015; phần việc tái định cư của Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp phường Gia Sàng cũng đã được Công ty lên kế hoạch chi tiết trình tỉnh, thành phố và các ngành chức năng phê duyệt, phấn đấu cuối quý IV năm 2014 sẽ hoàn thành các hạng mục công trình của giai đoạn 1 theo quyết định giao đất của tỉnh; hạ tầng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy đang được gấp rút hoàn thành để đón các nhà đầu tư thứ cấp.