Nhiều doanh nghiệp Singapore trong ngành nông nghiệp, hàng tiêu dùng và thực phẩm đang muốn mở rộng làm ăn tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (Singapore Business Group) tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp Singapore đang mở rộng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Các doanh nghiệp này bao gồm F&N (sản xuất sữa), Gold Roast và Super Coffeemix (sản xuất đồ uống), New Toyo (sản xuất giấy ăn), Serrano Vietnam (sản xuất đồ gỗ), Hock Hin Foodstuffs (sản xuất thực phẩm) và ApecChem (sản xuất gia vị)...
“Một số thương hiệu nổi tiếng của Singapore đã trở nên quen thuộc với thị trường Việt Nam trong các ngành bia, thực phẩm và bánh mỳ. Nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động rất tốt và là nhà cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Norman Lim, Chủ tịch Hiệp hội nhận xét.
Công ty Olam Việt Nam là một điển hình trong số đó. Đây là nhà xuất khẩu hạt điều, tiêu và cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam, với 8 nhà máy, sử dụng 1.700 công nhân.
Ông Lê Trần Anh Dũng, Giám đốc Olam Việt Nam Chi nhánh tại Đắk Lắk cho biết, hàng năm, Olam đều tăng chi phí cho nghiên cứu và phát triển, cũng như sản xuất. “Olam đang triển khai một số dự án tại Việt Nam, như dự án chế biến điều tại tỉnh Phú Yên”, ông Dũng nói và cho biết, trong nửa đầu năm nay, Olam đạt doanh thu khá cao và mức doanh số này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm nay, thậm chí là cả năm 2015.
Còn Công ty SuperCoffeemix Việt Nam (SCV, doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối các loại đồ uống và thực phẩm tiện lợi) cho biết, công ty này “muốn trở thành nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Việt Nam” và sẽ “liên tục tạo ra các sản phẩm mới đầy sáng tạo, có chất lượng cao, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam”. SCV đang đẩy mạnh quảng bá và bán các sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc ăn kiêng, sữa đậu nành và trà gừng tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, trong khi nhiều doanh nghiệp Singapore đang tìm kiếm thị trường có tăng trưởng cao, thì Việt Nam lại tỏ ra là thị trường bán lẻ đầy hấp dẫn, do dân số đông. Hiện nay, thị trường tiêu dùng của Việt Nam có quy mô khoảng 50 triệu người, chiếm gần 50% dân số. Trong vòng 10 năm tới, sẽ có khoảng 16 triệu người nữa gia nhập thị trường này.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu của Việt Nam cũng đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, với thu nhập thuần tăng mạnh. Điều này làm cho nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, đặc biệt là với các sản phẩm có chất lượng cao.
Đồng thời, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, từ sử dụng hàng hóa không có thương hiệu sang hàng hóa có thương hiệu. Nhu cầu về các hàng hóa đóng gói và tiện lợi, cũng như các sản phẩm bổ dưỡng cũng đã tăng đáng kể.
Theo Báo cáo Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam (quý III/2014) của Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International (Vương quốc Anh), tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam sẽ tăng trưởng rất ấn tượng ở mức 2 con số từ nay đến năm 2018. Đơn cử, tổng mức tiêu thụ thực phẩm năm 2014 được dự báo sẽ tăng 19,2% và tiếp tục tăng 15,5%/năm từ nay đến năm 2018. Tổng mức tiêu thụ thực phẩm/đầu người năm 2014 được dự báo sẽ tăng 18,1%, và tỷ lệ này sẽ là 14,7%/năm từ nay đến năm 2018.
Tuy nhiên, ông Lim cho rằng, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng của Singapore vẫn còn hạn chế. Các doanh nghiệp Singapore chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, logistics và dịch vụ tài chính.
Theo ông Lim, cho dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thì vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế để tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn.
“Các thủ tục hành chính rườm rà, bệnh quan liêu, tính không nhất quán trong một số chính sách đang là rào cản cho doanh nghiệp. Việt Nam cần giảm tính quan liêu hành chính và có nhiều ưu đãi hơn nữa, để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư ”, ông Lim đề xuất.