Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.
Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương phải tổ chức lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các căn cứ, bao gồm:
Tình hình và kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của cả nước, ngành, lĩnh vực và địa phương;
Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt; các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công.
Chỉ thị yêu cầu nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.
Phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các Bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.
Chỉ thị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015.