Asus sẽ đầu tư 4 trung tâm bảo hành điện thoại

08:22, 12/10/2014

Ông Jeff Lo, Tổng giám đốc Asus Việt Nam cho biết, với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng và mức độ cạnh tranh trên thị trường smartphone rất gay gắt, nhiều nhà sản xuất đang quyết tâm cho kế hoạch chiếm lĩnh thị trường này.

Ông nhận xét thế nào về tiềm năng thị trường smartphone Việt Nam so với các nước trong khu vực?

 

Ông Jeff Lo cho biết Asus sẽ tiếp tục đầu tư và tập trung vào phân khúc smartphone có mức giá 2 - 6 triệu đồng            

 

Asus luôn đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để phát triển. Thời gian tới, Asus sẽ đầu tư mạnh để phát triển thị trường smartphone Việt Nam (sẽ xây dựng 4 trung tâm bảo hành để nâng cao chất lượng bảo hành ở thị trường Việt Nam).

 

Năm nay và những năm tới, mức độ cạnh tranh trên thị trường smartphone rất gay gắt, nhiều nhà sản xuất đang quyết tâm cho kế hoạch chiếm lĩnh thị trường này.

 

Vậy Asus đang khai thác thị trường tiềm năng này như thế nào?

 

Mức độ sử dụng điện thoại cơ bản ở Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á, nhưng ngược lại, mức độ sử dụng smartphone lại thấp hơn. Vấn đề đặt ra là, phải làm cho người dùng hiểu được lợi ích khi sử dụng công nghệ trong cuộc sống. Vì thế, mục tiêu của Asus là tiếp cận đối tượng này, giúp họ trải nghiệm và cảm nhận sản phẩm.

 

Sau 4 tháng gia nhập thị trường smartphone Việt Nam, chúng tôi đã bán được hơn 300.000 chiếc ZenFone, chiếm 6-7% thị phần smartphone nói chung. Đây là con số khá khả quan.

 

Asus nhảy vào thị trường smarphone bằng các sản phẩm giá rẻ. Phải chăng, Hãng không đủ sức cạnh tranh với các hãng lớn ở phân khúc trung và cao cấp?

 

Chúng tôi từng trăn trở, liệu những chiếc điện thoại đắt tiền có phải là những điện thoại thực sự là cao cấp và tốt như giá tiền của nó hay không.

 

Điểm quan trọng nhất đối với thiết kế điện thoại vẫn là chất lượng và trải nghiệm của người dùng. Tôi có thể khẳng định, các sản phẩm ZenFone của Asus với mức giá khá “mềm”, nhưng trải nghiệm thì không thua kém bất cứ một sản phẩm cao cấp có giá cao hơn. Giả sử đặt câu hỏi nếu Asus bán chiếc ZenFone 5 với giá cao hơn thì người dùng liệu có chấp nhận hay không? Tôi cho rằng, người dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, với mức giá cao hơn, nó lại không phù hợp với chiến lược của Asus là muốn sản phẩm có thiết kế đẹp và mức giá hợp lý cho tất cả mọi người.

 

Asus sẽ tập trung vào phân khúc nào tại Việt Nam, thưa ông?

 

Phân khúc với mức giá 2 - 6 triệu đồng được đánh giá là tập trung nhu cầu cao nhất của người dùng. Asus sẽ tiếp tục đầu tư và tập trung vào phân khúc này.

 

Mới đây, Asus cho biết sẽ tung ra các sản phẩm ở phân khúc trung cấp (7 - 10 triệu đồng). Liệu đây có là “bất lợi” cho Asus, vì trên thị trường có quá nhiều hãng lớn cũng đang phát triển mạnh ở phân khúc này?

 

Sản lượng bán ra đối với các sản phẩm trung cấp và cao cấp đang có dấu hiệu đi xuống. Bài toán đặt ra đối với Asus là làm sao để người dùng cảm nhận được lợi ích khi tìm đến với sản phẩm và những khác biệt với sự kết hợp cả phần cứng và phần mềm. Quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm của người dùng và đó là thách thức.

 

Trong 3 mảng sản phẩm notebook (laptop), tablet và smartphone, các ông sẽ tập trung vào mảng sản phẩm nào và mục tiêu mà Asus đặt ra tại thị trường Việt Nam ra sao?

 

Chúng tôi tập trung vào cả 3 mảng sản phẩm này. Với smartphone, chúng tôi phấn đấu đạt 15% thị phần vào năm 2015. Mảng sản phẩm tablet và notebook sẽ duy trì mức tăng trưởng như hiện tại; notebook 30% và tablet chiếm 25%, đồng thời sẽ cố gắng giữ vững và tăng thị phần.