Nếu cơ quan quản lý đầu tư xem xét điều kiện giao, cho thuê đất... ngay khi chấp thuận chủ trương đầu tư; nếu cơ quan quản lý đất đai, xây dựng chịu trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch, trích lục bản đồ làm cơ sở để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư..., thì tổng thời gian hoàn tất thủ tục này giảm khoảng 40%.
Kỳ vọng của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi trong việc đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đang thể hiện rất rõ.
Đó là sẽ chỉ mất 15 ngày, thay vì 45 ngày như hiện nay, cho các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh còn mong muốn khoảng thời gian 15 ngày này đã bao gồm thủ tục về đất đai, xác định địa điểm cho dự án.
“Đây là phần việc khó, vì thời gian 45 ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định hiện hành chưa bao gồm các thủ tục liên quan đến đất. Nhưng, tinh thần của việc sửa đổi Luật Đầu tư là sẽ cải cách quyết liệt”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phản biện những lo ngại về tính khả thi của đề xuất này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu cơ quan quản lý đầu tư xem xét điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ngay trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư; nếu cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch, trích lục bản đồ làm cơ sở để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, thì tổng thời gian để hoàn tất các thủ tục này sẽ được cắt giảm khoảng 40% so với hiện tại.
Như vậy, cơ sở để tạo nên tính khả thi của phương án này chính là nhà đầu tư sẽ không phải tiến hành lần lượt từng thủ tục liên quan đến việc sử dụng đất như quy định hiện hành, cũng không phải đến từng cơ quan để xin thông tin từ các cơ quan khác nhau.
Với các dự án thuộc diện phải được chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đang đề nghị, cơ quan quản lý đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, mà không cần thẩm tra lại các nội dung đã được xem xét trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, ngay trong các đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này, sau những kết quả dự liệu cho quá trình cải cách, rất nhiều chữ nếu được đặt ra. Thậm chí, các nội dung mang tính phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước này thường được nhấn mạnh như điều kiện tiên quyết cho sự thành công của các phương án.
Phải thẳng thắn, dựa trên thực tiễn, lo ngại về tính khả thi trong việc cắt giảm thời gian thực hiện các bước thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có sử dụng đất là hoàn toàn hợp lý.
Kết quả rà soát thủ tục hành chính do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cũng cho thấy, để triển khai dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến sử dụng đất đai, xây dựng, môi trường, được quy định tại 5 luật, 10 nghị định, 9 thông tư và rất nhiều văn bản hướng dẫn khác do các bộ, UBND tỉnh ban hành. Nhìn vào ma trận thủ tục này, không dễ xác định được chính xác một dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất cả thủ tục, nhưng cũng hiếm khi dưới 1 năm.
Vấn đề nằm ở chỗ, đối với nhà đầu tư, thủ tục này là một quy trình liên tục, trong khi các quy định pháp luật hiện hành đang cắt khúc quy trình này theo hướng ngành nào biết ngành đó. “Nếu đứng từng ngành, thì quy định nào cũng có vẻ ổn. Nhưng các nhà đầu tư không có quyền lựa chọn cắt khúc, mà phải tự tuân thủ tất cả các quy trình. Thực tế, nhiều nhà đầu tư kêu ca không biết quy trình bắt đầu từ đâu, cơ quan nào đủ thẩm quyền, thời gian bao lâu…”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.
Vào năm ngoái, khi chờ đợi lịch sửa đổi của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn cách liên thông thủ tục để giảm bớt sự chồng chéo, trùng lắp. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bàn bạc, không phải mọi việc đều thuận lợi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khi trao đổi về vấn đề này, cũng thừa nhận, thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, nhưng việc các cơ quan thừa nhận số liệu, kết luận của nhau vẫn là vấn đề lớn.
Thực tế trên không chỉ gây khó khăn cho việc triển khai dự án đầu tư, mà còn dẫn đến chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý cũng như cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.
Cũng phải đặt thêm một tình huống mà chính các nhà đầu tư đặt ra khi xem xét phương án này. Đó là khi luật hóa chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc diện này, nếu không làm rõ giá trị pháp lý của thủ tục này, khả năng có nhà đầu tư “xí phần” dự án thông qua việc chạy chấp thuận chủ trương đầu tư cần phải được tính đến.
“Dự thảo chưa giải quyết được câu hỏi về giá trị pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư, về thời gian hiệu lực, về nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc thực hiện hay không thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, về mối quan hệ giữa chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư”, LS. Trần Thanh Tùng (Công ty Luật Phuoc & Partners) đặt vấn đề.