Việt Nam bắt đầu cho làn sóng đầu tư mới

09:01, 31/10/2014

Điều này trước tiên được chứng minh qua số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 13,7 tỷ USD.

Tuy vẫn giảm gần 30% so với cùng kỳ, chủ yếu do năm nay ít dự án tỷ USD đăng ký đầu tư tại Việt Nam, song việc chỉ trong tháng 10/2014, có tới 2,32 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới cũng là dấu hiệu khá tích cực.

 

Trong tháng này, chỉ riêng dự án của Samsung ở TP.HCM đã có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Đây là dự án tỷ USD thứ hai cập bến Việt Nam trong năm nay. Dự án tỷ USD thứ nhất cũng là dự án của nhà đầu tư Samsung.

 

Samsung đang tiếp tục trở thành tâm điểm của FDI khi Tập đoàn liên tiếp công bố các kế hoạch đầu tư mới để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình. Nếu như cách đây 10 năm, Intel mới là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, thì hiện vai trò đang thuộc về Samsung, như một đối tác chiến lược quốc gia của Việt Nam và đang dẫn hướng đầu tư vào Việt Nam.   

 

Nhờ có Samsung, xu hướng các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao dồn vốn vào Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn. Và như vậy, vấn đề không chỉ nằm ở lượng, mà còn là chất của dòng vốn FDI, khi Việt Nam đang dần trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là điều đã được khẳng định.

 

Nếu cần thêm các bằng chứng khác, thì việc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát về Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2014, với BCI quý này tăng từ 66 điểm của quý trước lên 74 điểm, ngang bằng những quý đầu năm 2011, cho thấy niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư châu Âu đang quay trở lại. Họ tiếp tục tin tưởng vào sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, vào các cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại, khi nhiều khả năng, hiệp định này sẽ được ký kết vào năm tới.

 

Trong một động thái khác, kết quả khảo sát của tờ báo điện tử Daily NNA của Nhật Bản, được công bố hôm 16/10, cho thấy, Việt Nam đã ở vào vị trí số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ được doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng nhất khi lựa chọn địa điểm sản xuất ở nước ngoài, vượt trên cả Trung Quốc - ở vị trí thứ hai.

 

Một cuộc khảo sát mới đây của KPMG đối với 100 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, 84% người được hỏi bày tỏ mong muốn đầu tư vào các thị trường tăng trưởng cao, cao hơn rất nhiều so với mức 47% trong cuộc khảo sát tiến hành năm 2013. Đáng nói là, trong số các thị trường tăng trưởng cao, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ 12 lên thứ 4 trong các thị trường hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư từ Mỹ, với 9% số doanh nghiệp cho biết dự định sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian 12 tháng tới.

 

Tất nhiên, kết quả của các cuộc khảo sát chỉ mang tính chất tham khảo, song đó cũng là bằng chứng khá rõ ràng cho mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Đồng thời, cũng là lời khẳng định cho nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

 

Dư luận gần đây nhắc nhiều đến sự kém hấp dẫn trong môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI càng trở nên gay gắt hơn giữa các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... Điều đó đúng và bởi vậy, muốn tăng cường thu hút FDI, không cách nào khác Việt Nam phải thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.