Có lẽ đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra ngay từ lúc Samsung vừa đặt chân đến tỉnh ta, nhưng phải đến nay, khi Dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn này đã hiện hữu tại huyện Phổ Yên, câu trả lời mới thực sự rõ ràng và thuyết phục. Theo phân tích của các chuyên gia thì có nhiều lý do khiến Samsung lựa chọn Thái Nguyên để đầu tư một dự án rất lớn.
Như chúng ta đã biết, Samsung là một thương hiệu toàn cầu, lại đang có những sản phẩm nổi trội trên thị trường, phù hợp với thị hiếu thời thượng của người tiêu dùng, nhất là hệ thống các sản phẩm điện tử thông minh. Có mặt tại Việt Nam khoảng 5 năm nay, tập trung đầu tư chủ yếu tại Bắc Ninh, nhưng Tập đoàn này đã gặt hái được rất nhiều thành công. Từ nhu cầu rất cao của thị trường nên Samsung rất muốn mở rộng quy mô và đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Bởi vậy, sau Bắc Ninh, Samsung quyết định đầu tư thêm một số khu tổ hợp điện tử nữa tại các địa phương lân cận. Sau khi làm các bước khảo sát cẩn trọng tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, cuối cùng Samsung đã chọn Thái Nguyên.
Khi Samsung đang triển khai dự án đầu tư tại tỉnh ta, trong một lần tiếp các nhà báo, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung - Vina cho biết, điểm đầu tiên mà doanh nghiệp quan tâm chính là vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và mặt bằng dự án. Và Thái Nguyên đã đáp ứng rất tốt những điều kiện này. Từ lúc Samsung có ý định định đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình I (Phổ Yên) thì tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua đây đang chuẩn bị hoàn thành. Từ KCN này đến Trung tâm Thủ đô Hà Nội và ra sân bay Quốc tế Nội Bài theo đường cao tốc chỉ mất 30 đến 40 phút chạy xe. Hơn nữa, Thái Nguyên đang được quy hoạch là một trong 5 đô thị lớn của khu vực (gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên), có hệ thống giao thông kết nối rất thuận lợi. Về mặt bằng, KCN Yên Bình I nằm trong dự án Tổ hợp Khu đô thị công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình với diện tích hàng nghìn héc-ta, được Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình xây dựng hạ tầng khá bài bản trên cơ sở giải phóng và bàn giao mặt bằng nhanh chóng. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào KCN Yên Bình I gồm đường gom, trạm điện, viễn thông, cấp nước... do tỉnh đầu tư rất bài bản và đầy đủ.
Một điểm mấu chốt khiến Samsung có mặt tại tỉnh ta chính là được địa phương đồng ý đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục được áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt như với Samsung Bắc Ninh. Cụ thể là được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% (các doanh nghiệp khác là 25%) trong 30 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm tới 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, một số khoản thuế, phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư của Samsung cũng được ưu tiên miễn, giảm. Trong một cuộc trao đổi với các doanh nghiệp vốn FDI về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBDN tỉnh khẳng định: Thái Nguyên luôn khao khát thu hút, mời gọi đầu tư để tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Với quan điểm "3 thân thiện" (trong đó có thân thiện với doanh nghiệp) xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của tỉnh đã như một cánh cửa rộng mở chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn cũng là một trong những ưu điểm của tỉnh khiến Samsung quyết định đầu tư vào Thái Nguyên một nhà máy điện tử lớn nhất từ trước đến nay. Theo ông Trần Văn Long, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thì với dự án Samsung, các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng ngay từ việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng... Sau này khi chính thức triển khai dự án tại Phổ Yên, lãnh đạo Samsung Thái Nguyên mới chia sẻ rằng, mục tiêu số 1 của họ chính là đạt tiến độ đầu tư nhanh nhất, bởi thị trường đang rộng mở, sức cạnh tranh cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm của Samsung trên toàn cầu lớn. Thủ tục được giải quyết nhanh sẽ giúp Tập đoàn không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí mà còn mang lại cơ hội rất lớn trong thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường.
Samsung nhắm đến tỉnh ta còn bởi một lý do hết sức quan trọng nữa liên quan đến nguồn nhân lực. Tập đoàn này biết rằng, Thái Nguyên là một trong những trung tâm về giáo dục, đào tạo của cả nước với lực lượng lao động dồi dào và có trình độ. Hơn nữa, Thái Nguyên lại là giao điểm của các tỉnh có nguồn lực lao động ổn định như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Và thực tế thì Samsung đã không nhìn nhầm bởi hiện nay nhu cầu về lao động của đơn vị này ở Thái Nguyên đã cơ bản được đáp ứng, trong đó lao động là người địa phương chiếm số đông. Đến hết tháng 10-2014, tỉnh ta và các địa phương lân cận đã đáp ứng cho Samsung tới trên 28 nghìn lao động và sẽ là khoảng 60 nghìn lao động trong năm 2015.
Một điều kiện quan trọng nữa chính là tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh. Chúng ta đều biết, là một Tập đoàn lớn, Samsung rất cần các nhà sản xuất thứ cấp đi kèm để cung cấp các linh kiện phụ trợ, gia công lắp ráp hoàn thiện sản phẩm. Chúng ta quy hoạch tới 6 khu công nghiệp tập trung nên sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp cho Samsung. Hơn nữa, ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh đã phát triển từ khá sớm với gần 20 nhà máy cơ khí chế tạo lớn nhỏ, trong đó có những đơn vị đang thực hiện gia công đều đặn cho các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc (Nhà máy Diezel, Phụ tùng máy số 1, Cơ khí Phổ Yên...). Samsung rất mong muốn có những nhà cung cấp linh, phụ kiện là doanh nghiệp địa phương. Trong một cuộc hội thảo của Samsung gần đây, lãnh đạo Tập đoàn này có gợi ý về việc sẽ chọn nhà cung cấp linh, phụ kiện tại tỉnh ta, trong đó cho biết, nếu trình độ doanh nghiệp của chúng ta chưa thể đáp ứng là nhà cung cấp cấp 1, trực tiếp với cho Samsung thì có thể là nhà cung cấp cấp 2, tức là qua các nhà cung cấp thứ cấp cho Samsung...
Như vậy có thể thấy, sức hút đầu tư của tỉnh ta là rất lớn. Hy vọng với những tiềm lực và điều kiện thuận lợi đó, ngoài Samsung, chúng ta sẽ tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư vốn FDI tên tuổi khác, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.