Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai của doanh nghiệp

14:06, 27/02/2015

Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia. Do đó, việc phân bổ sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong mọi giai đoạn lịch sử, nguồn tài nguyên đất đai luôn là nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong thời gian qua chính sách, pháp luật về đất đai đã từng bước được hoàn thiện nhằm tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch trong việc tiếp cận và sử dụng đất của doanh nghiệp.  

* Hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ

 

Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Quản lý Đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm từng bước phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Luật cũng thể hiện rõ tính công khai, minh bạch, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận đất đai, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có mặt bằng sản xuất kinh doanh.

 

Luật Đất đai 2013 tiếp tục hoàn thiện và có quy định cụ thể đối với nội dung quyền của người sử dụng đất bao gồm cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân…) phù hợp với hình thức giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

 

Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã bổ sung quy định về quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quyền của tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng vốn của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp đất mà họ đang sử dụng thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc xây dựng kinh doanh nhà ở.

 

Việc hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất sẽ thúc đẩy hơn sự tham gia của đất đai, tài sản gắn liền với đất vào thị trường bất động sản một cách công khai, minh bạch; tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội; cho phép doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Điển hình là quy định mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất không phải là đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

 

Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định hiện hành, còn được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Đào Trung Chính cho rằng Luật Đất đai 2013 đã có quy định mở rộng hơn quyền tiếp cận đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, thuê đất nông nghiệp với thời hạn là 50 năm được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp với hạn gấp 3 đến 5 lần so với trước đây.

 

Với quy định này, hộ gia đình, cá nhân có thể yên tâm tập trung đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hàng hóa để mang lại hiệu quả cao hơn. Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều bình đẳng trong việc áp dụng các định về thu hồi đất, quy định về hình thức giao đất, cho thuê đất; điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Quy định này sẽ tạo điều kiện để lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực thực sự để thực hiện giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án đầu tư.

 

* Tiếp cận đất đai trong môi trường minh bạch

 

Có thể thấy rõ các quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã quan tâm hơn đến việc mở rộng các quyền của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai trong môi trường công khai, minh bạch. Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất của các doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Vân Anh nhận định: Việc cần làm ngay là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai nhằm phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững, tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tăng cường công khai dân chủ.

 

Cùng với đó là rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội…; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; đơn giản thành phần hồ sơ, số cửa, số đầu mối tiếp nhận hồ sơ; thực hiện thủ tục liên thông giữa các cơ quan hành chính, tiến tới thực hiện các thủ tục giao dịch điện tử khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai trong quá trình thực thi công vụ.

 

Đặc biệt, cần tăng cường giao lưu, đối thoại giữa doanh nghiệp và người dân để tiếp nhận giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tạo quỹ đất sạch và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư chủ động về mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư, giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng./.