Khuyến khích đầu tư vào Tây Bắc để phát triển kinh tế

20:45, 03/04/2015

Hôm nay (3/4), tại Sơn La, các tỉnh Tây Bắc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Bắc nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực. Nhân dịp này, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về ưu tiên của vùng trong thời gian tới.

Là một trong những vùng khó khăn của cả nước, Tây Bắc luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước. Vậy những năm qua, kinh tế Tây Bắc đã chuyển biến ra sao?



Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Chính vì vậy, đầu tư cho vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên và kinh tế vùng đã có những chuyển biết rõ nét trên từng lĩnh vực.

 

Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 9,54%, năm 2014 đạt 8,79%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng/năm. Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đang từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng được quan tâm, nhiều dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả. Các trục giao thông đường bộ huyết mạch, các tuyến vành đai, đường tuần tra biên giới đang được đầu tư và nâng cấp.

 

Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém. Chính vì vậy, chúng tôi rất muốn kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào khu vực này nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển kinh tế của cả vùng.

 

Tây Bắc sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ông?

 

Hiện tại, chính quyền các tỉnh trong vùng đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng để huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Các lĩnh vực chủ yếu tập trung thu hút đầu tư là khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến lâm sản, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.

 

Thời gian tới, các địa phương trong vùng sẽ làm gì để thúc đẩy du lịch phát triển, một lĩnh vực mà Tây Bắc có tiềm năng lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả?

 

Đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

 

Ví như mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ trong chương trình du lịch về cội nguồn. Mô hình liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch.

 

Một trong những điểm yếu của Tây Bắc là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo. Vấn đề này sẽ được khắc phục thế nào trong thời gian tới?

 

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng, trong đó có vùng Tây Bắc. Trong những năm gần đây, công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có bước phát triển.

 

Cụ thể, các tỉnh đã chỉ đạo triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học; tích cực triển khai cuộc vận động “hai không”, phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong ngành giáo dục - đào tạo. Học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở các tỉnh đều đạt cao, số lượng học sinh trong vùng trúng tuyển hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tăng bình quân 25% mỗi năm. Dạy nghề cho lao động được quan tâm và có bước phát triển.

 

Ngoài ra, các địa phương trong vùng đẩy mạnh việc liên kết đào tạo đại học, sau đại học. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 5425/BGD-ĐT ngày 21/8/2012 về việc đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các tỉnh đã và đang xây dựng, triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực địa phương, trong đó chú trọng đến việc xác định nhu cầu đào tạo và liên kết với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực.