Thanh lọc các dự án chây ì: Sự cương quyết cần thiết

15:42, 07/04/2015

Từ năm 2010 đến hết năm 2014, tỉnh ta đã thu hồi trên 50 dự án chậm tiến độ và không có khả năng triển khai. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cuối năm 2014 và đầu năm 2015, cơ quan này tiếp tục cùng với Bộ phận "một cửa" liên thông tỉnh trình đề nghị thu hồi trên 60 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai quá chậm. 

Một trong những điển hình của các dự án chậm tiến độ bị đề nghị thu hồi thời gian qua là Dự án Thái Nguyên Buiding do Công ty CP Trung Tín làm chủ đầu tư. Đây từng là dự án trọng điểm của tỉnh, được đặt ở vị trí khá đắc địa, gần với Chợ Thái, có diện tích 2.998m2. Theo cam kết thì Dự án này có tổng kinh phí là 272 tỷ đồng, khởi công trong tháng 9-2009 và phải hoàn thành tháng 3-2013. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không triển khai theo đúng tiến độ đã cam kết. Đến thời điểm này dự án vẫn gần như giậm chân tại chỗ.

 

Dự án xây dựng Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng Phúc Thắng tại xóm Gia Bảy, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) do Công ty TNHH Thương mại Phúc Thắng làm chủ đầu tư cũng được xem là trường hợp quá chậm tiến độ. Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, kế hoạch hoàn thành năm 2010, nhưng đến thời điểm bị thu hồi, Công ty này vẫn chưa tiến hành triển khai dự án.

 

Dự án đường tỉnh 261 đi qua địa phận hai huyện là Phổ Yên và Đại Từ có tổng chiều dài khoảng 40km đã bị thu hồi năm ngoái. Dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng Công ty CP Long Việt - chủ đầu tư dự án - vẫn quyết định triển khai dự án với số vốn lên tới 2.000 tỷ đồng. Bởi vậy, tiến độ đăng ký hoàn thành tuyến đường là trong năm 2011, nhưng đến thời điểm bị thu hồi nhà đầu tư vẫn đang trong quá trình lập dự án.

 

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều dự án chậm trễ khác bị thu hồi hoặc bị đề nghị thu hồi. Có thể kể tên một số dự án tiêu biểu như: Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Gang thép của Công ty CP Chứng khoán và công nghệ Việt Nam; 3 dự án của Công ty CP tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình là Dự án đầu tư Trung tâm dịch vụ tổng hợp Sông Cầu, Khu du lịch sinh thái chè đặc sản Tân Cương, Công viên du lịch thể thao Sông Cầu; Dự án Nhà máy bia Hà Nội tại Thái Nguyên của Công ty TNHH Vân Đạo; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất tấm thạch anh nhân tạo của Công ty CP Kim Thái; Dự án xây dựng Trạm dừng nghỉ và cung ứng xăng dầu Tân Long của Tổng công ty 28 (Bộ Quốc phòng); Dự án xây dựng khu dân cư Đại Đồng - Phổ Yên của Công ty CP Xây dựng và Phát triển thương mại; Dự án xây dựng và kinh doanh Cảng Đa Phúc của Công ty CP Tư vấn và chuyển giao công nghệ ICT; Dự án thăm dò, nạo vét lòng hồ Núi Cốc của Công ty CP Thương mại Sông Hồng Thủ đô...

 

Có thể nói, thời gian qua tỉnh ta rất quan tâm đến chất lượng đầu tư các dự án và cương quyết xử lý đối với những nhà đầu tư yếu năng lực hoặc cố tình chây ì. Hằng năm, UBND tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát và đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, trong đó trực tiếp đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra, các thành viên gồm những ngành chức năng liên quan. Mỗi lần kiểm tra là một lần rà soát, thống kê lại những dự án thiếu tính khả thi để kịp thời xử lý theo quy định, tránh tình trạng lãng phí đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Qua hoạt động này góp phần loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém để xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh hơn. Trao đổi xung quanh vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) ông Nguyễn Công Việt cho biết: Từ năm 2010 tỉnh mới bắt đầu thực hiện việc thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ. Trước đó, do số lượng các dự án đầu tư ít, lại chưa đến thời hạn cam kết hoàn tất đầu tư nên gần như không phải thu hồi dự án nào. Ông Việt cũng cho biết thêm: Trước khi quyết định cấp phép đầu tư, việc thẩm định dự án được thực hiện đúng quy trình do tất cả các ngành liên quan của tỉnh xem xét, cho ý kiến. Trong đó, năng lực tài chính là yếu tố được xem xét kỹ nhất. Nhưng có điều, không phải nhà đầu tư nào cũng thực hiện đúng cam kết. Có một số nhà đầu tư sau khi chứng minh đủ số vốn thực hiện dự án với tỉnh, đã dùng chính số vốn đó để đầu tư một dự án khác... 

 

Việc thường xuyên kiểm tra, quyết liệt loại bỏ các dự án bất khả thi là thể hiện ý chí quyết tâm cao độ của chính quyền địa phương. Tuy vậy, đằng sau đó lại là cả một vấn đề phải lo toan bởi sau thu hồi không thể để dự án đó tiếp tục "treo", mà phải tìm được nhà đầu tư mới thay thế với một dự án khả thi hơn. Đó là điều mà lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, trăn trở lâu nay. Thực tế đã có một số dự án sau khi bị loại bỏ đã ngay lập tức được chuyển giao cho nhà đầu tư khác. Dự án hồ điều hòa Xương Rồng là một ví dụ. Sau khi thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Intra Việt Nam, dự án này đã được chuyển sang chủ mới là Công ty CP Sông Đà 2. Hay như Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, tỉnh đã chuyển giao từ Liên doanh Công ty Tiberon, Công ty Batimex và Công ty Intracorp sang cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Gần đây nhất là việc chuyển giao Dự án Khu B chợ Đồng Quang từ một nhà đầu tư thiếu năng lực sang một công ty thương mại đủ mạnh để xây dựng Siêu thị HC hoàn tráng.

 

Với số lượng dự án thu hồi tương đối lớn như tỉnh ta thời gian gần đây thì vấn đề lấp chỗ cho các dự án là không dễ chút nào. Nếu thu hồi xong lại để trống dự án đã quy hoạch hoặc triển khai dở dang thì chắc chắn sẽ tiếp tục gây lãng phí sử dụng đất, tạo những bức xúc mới cho nhân dân. Bởi vậy, thiết nghĩ, khi thu hồi các dự án chúng ta cũng nên xem xét, tính toán thật kỹ lưỡng các phương án để sao cho có một dự án mới thật sự hiệu quả hơn.