Sức hút lớn của Golf và đầu tư sân golf

16:56, 11/05/2015

Các sân golf quy mô lớn liên tục được đầu tư mới. Golf cũng đang trở thành một môn thể thao hấp dẫn ở Việt Nam.

 Sức hút của golf

 

Sáu tháng trước, Sân golf The Bluffs của Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu) chính thức đi vào hoạt động. Không tiết lộ doanh thu, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ben Styles, Tổng giám đốc Sân golf The Bluffs cho biết, hiện mỗi tháng, The Bluffs phục vụ khoảng 1.500 vòng chơi golf.

 

“Đó là một kết quả tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng đối với một sân golf mới. Với kết quả này, chúng tôi đã vượt qua mục tiêu đề ra khi khai trương sân golf này”, ông Ben Styles nói và cho biết, golf hiện tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh doanh đang phát triển đối với du lịch Việt Nam và cũng như là một môn thể thao đang được ưa chuộng Việt Nam.

 

Với tham vọng đưa Việt Nam thành điểm đến của môn thể thao golf, The Bluffs vừa chính thức công bố đăng cai tổ chức Giải Hồ Tràm mở rộng lần đầu tiên, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1,5 triệu USD.

 

Trong khi đó, sau khi khai trương hoạt động từ 2 năm trước, Laguna Lăng Cô (Huế) cũng đã nhanh chóng trở thành một trong những sân golf được xếp hạng “phải đến” tại miền Trung Việt Nam.

 

Thông tin từ ông Darren Robson, Quản lý và chuyên gia Câu lạc bộ Golf Laguna Lăng Cô, năm qua, Câu lạc bộ Golf Laguna Lăng Cô đã đón 13.000 lượt chơi golf, tăng 30% so với năm trước đó. “Con số này sẽ còn tiếp tục đi lên trong những năm tới khi sân golf đi vào guồng hoạt động vững vàng hơn và ngành du lịch golf phát triển mạnh tại miền Trung Việt Nam”, ông Darren Robson nói.

 

Một thông tin mới khác, dự kiến, ngày 16/5, giải golf đầu tiên trên đảo Phú Quốc sẽ được tổ chức để chào mừng khai trương Câu lạc bộ Vinpearl Golf Phú Quốc.

 

Vingroup, chủ đầu tư sân golf này cũng đang lên kế hoạch xây dựng tiếp một loạt sân golf mới khác ở các khu nghỉ dưỡng mà Tập đoàn đã và đang xây dựng.

 

“Điểm” một vài thông tin để thấy, golf - bất chấp những quan điểm trái chiều, người ủng hộ, kẻ e dè, vẫn đang dần trở nên hấp dẫn hơn ở Việt Nam. Tuy chưa thực sự được công nhận như kỳ vọng, song golf đã và đang trở thành một môn thể thao có sức hút lớn ở Việt Nam. Sân golf là một trong những hạng mục quan trọng để các khu nghỉ dưỡng lớn thu hút khách du lịch.

 

“Năm 2014, có gần 2.000 lượt khách chơi golf đến từ khách sạn trong khu nghỉ dưỡng của chúng tôi”, ông Darren Robson nói và cho biết, Câu lạc bộ Golf Laguna Lăng Cô là một hạng mục lớn của khu nghỉ dưỡng phức hợp rộng 280 ha Laguna Lăng Cô. Câu lạc bộ này, cùng với Khách sạn Angsana và Banyan Tree Lăng Cô, đã tạo thành điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách, những người muốn chơi golf tại một khu nghỉ dưỡng quốc tế sang trọng.

 

Trong khi đó, The Bluffs là một phần quan trọng trong toàn bộ bức tranh Hồ Tràm Strip. “Chúng tôi đã thu hút nhiều golf thủ tới nghỉ tại khu nghỉ dưỡng, cũng như nhiều khách chơi golf nhưng không lưu trú tại The Grand Hồ Tràm”, ông Ben Styles nói.

 

Cũng chính bởi vậy, bên cạnh gần 30 sân golf đã đi vào hoạt động trong khắp cả nước, những năm gần đây, liên tục có các sân golf quy mô lớn được đưa vào hoạt động. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng nhảy vào cuộc đua kinh doanh golf.

 

Và cũng chính vì thế, trên bàn làm việc của ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có một chồng dày hồ sơ đề nghị được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển sân golf Việt Nam đến năm 2020.

 

Sân golf ở Việt Nam: nhiều hay ít?

 

Đã đầu tư 2 sân golf 27 lỗ và 36 lỗ ở Hà Nội và TP.HCM và cả hai sân golf này đã đi vào hoạt động ổn định trong thời gian qua, song Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Trường An đang tiếp tục lên kế hoạch xây dựng một sân golf ở Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam). Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 199,5 ha, bao gồm các hạng mục phụ trợ, với tổng vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD.

 

Còn phải chờ các quyết định cuối cùng liên quan đến việc bổ sung quy hoạch, thủ tục đầu tư, nên phải mất một  thời gian nữa, kế hoạch đầu tư mới này mới thực sự có “hình hài”, song ông Nguyễn Duy Dậu, Giám đốc Công ty Trường An cho biết, hai sân golf hiện tại của Trường An đang hoạt động rất tốt.

 

Có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao, Trường An đang “ngấp nghé” đầu tư dự án sân golf ở Hà Nam. Ngoài Trường An, hiện còn có 19 dự án sân golf khác đang nộp hồ sơ xin bổ sung vào quy hoạch, kể từ thời điểm Chính phủ ban hành Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sân golf.

 

Trong tháng 4 vừa qua, Đoàn công tác kiểm tra liên ngành về quy hoạch sân golf cũng đã tới Hải Phòng để khảo sát và làm việc với UBND TP. Hải Phòng về việc bổ sung sân golf 36 lỗ tại đảo Vũ Yên và sân golf 18 lỗ tại khu vực Núi Voi, huyện An Lão vào Quy hoạch Phát triển sân golf Việt Nam đến năm 2020.

 

Trong 2 sân golf này, sân golf 36 lỗ do Vingroup làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Còn sân golf 18 lỗ do Tập đoàn T&K và Công ty TNHH Real Estate Service (Nhật Bản) đầu tư, quy mô 98 ha.

 

17 dự án sân golf còn lại sẽ tiếp tục được Đoàn công tác đi kiểm tra. Giả sử, tất cả các đề xuất này được chấp thuận, thì Việt Nam sẽ có 114 sân golf trong Quy hoạch.

 

Câu hỏi đặt ra là, con số này là nhiều hay ít?

 

Đã có thời điểm, tình trạng nở rộ sân golf khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, đã loại bỏ 76 sân golf, thu hồi trên 15.600 ha đất các loại, chỉ còn lại 90 sân golf trong Quy hoạch. Và theo Quyết định 795/QĐ-TTg đã được ban hành năm ngoái, thì hiện tại, Việt Nam có 95 sân golf đang trong Quy hoạch (đã loại trừ sân golf Phan Thiết).

 

“Việc golf ngày càng được ưa chuộng dẫn đến việc ra đời của nhiều sân golf mới. Tuy nhiên, nếu cho rằng, thị trường đang trở nên bão hòa quá mức thì lại là không chính xác. Trên thực tế, việc đặt chỗ trước ở nhiều sân golf đẹp và được quản lý tốt trên khắp cả nước có khi cũng khó khăn. Điều này cho thấy, nhu cầu chơi golf đang tiếp tục vượt cung”, ông Ben Styles nói và thậm chí cho rằng, có một điểm thú vị là, đối với khách du lịch kết hợp chơi golf, thì việc gia tăng về số lượng sân golf trong khu vực không được xem là sự cạnh tranh, mà chính là góp phần làm tăng sự đa dạng cho môn thể thao này.

 

“Mỗi ngày, các golf thủ này có thể chọn đến chơi golf ở những sân golf khác nhau, điều đó có nghĩa là có nhiều sân golf sẽ càng giúp các khu vực dân cư hoặc quốc gia trở thành các điểm đến dành cho giới du khách kết hợp chơi golf”, ông Ben Styles chia sẻ.

 

Cùng quan điểm, đề cập các con số cụ thể, ông Darren Robson cho rằng, hiện với khoảng hơn 30 sân golf, chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Nam và chỉ 4 sân ở miền Trung, thì đây là một con số rất nhỏ nếu so sánh với các nước trong khu vực. “Ví dụ như riêng Bangkok (Thái Lan) đã có tới hơn 50 sân golf chỉ cách trung tâm dưới 1 giờ đi xe”, ông Darren Robson nói.

 

Bỏ quy hoạch là cần thiết

 

Nhu cầu còn lớn và việc phát triển số lượng sân golf trong hiện tại không phải là nhiều. Vậy tại sao lại không tiếp tục cho phép đầu tư sân golf, thậm chí là tiến tới bãi bỏ quy hoạch sân golf và biến golf thành một ngành kinh doanh có điều kiện, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất?

 

“Bỏ quy hoạch sẽ rất thuận lợi cho việc đầu tư sân golf. Không giống như đầu tư dự án bất động sản, bán để thu lời, đầu tư và kinh doanh sân golf phải lâu dài mới thu hồi được vốn, vì vậy chỉ những nhà đầu tư thực sự mới đầu tư phát triển sân golf”, ông Dậu bày tỏ quan điểm khi được hỏi nên hay không biến đầu tư, kinh doanh golf thành một ngành kinh doanh có điều kiện.

 

Thậm chí, ông Dậu còn thẳng thắn, một trong những điều kiện đầu tiên phải là “không phạm vào đất lúa” - đúng như quan điểm hiện tại của Chính phủ Việt Nam, cũng như theo như đề xuất ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

“Đây là ngành kinh doanh liên quan tới sử dụng nhiều đất đai, một nguồn tài nguyên của quốc gia, nên các điều kiện đặt ra phải chặt chẽ. Giao đất cho nhà đầu tư, nhưng nếu 2-3 năm không triển khai thì sẽ thu hồi, chi phí đã đầu tư không được hoàn trả. Làm như vậy để buộc nhà đầu tư phải tính toán xem có nên đầu tư vào sân golf hay không. Sẽ không có chuyện xin dự án rồi để đấy”, ông Thắng nói.

 

Xây dựng các điều kiện kinh doanh một cách khoa học và hợp lý cũng là điều mà ông Vũ Duy Thành, Tổng giám đốc Sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) quan tâm nhất hiện nay. Ủng hộ việc bãi bỏ quy hoạch sân golf, ông Thành cho rằng, các điều kiện này phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

“Không thể làm một quy hoạch cứng khi mà mình không biết trong tương lai phát triển như thế nào. Vài năm trước, một vài sân golf như Đầm Vạc có thể đáp ứng nhu cầu cho người dân quanh vùng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ở Vĩnh Phúc, nhưng giờ giao thông thuận tiện hơn, nhu cầu nhiều hơn, còn phải tính đến thu hút người chơi ở các địa phương khác, cả khách du lịch nước ngoài. Quy hoạch cứng sẽ làm khó nhà đầu tư”, ông Thành nói và cho biết, vài năm gần đây, khi kinh tế khó khăn, lượng người chơi golf có suy giảm, song khi kinh tế phục hồi, nhu cầu này cũng theo đó tăng lên.

 

“Những nhà đầu tư thực sự sẽ tính toán kỹ, chứ không đầu tư một cách tràn lan”, ông Thành nói.

 

Trong khi đó, ông Darren Robson vui mừng bày tỏ rằng, mở rộng sự phát triển của các sân golf ở Việt Nam ra ngoài quy hoạch sẽ thúc đẩy môi trường golf ở Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, khi các nhà đầu tư có thêm cơ hội tham gia.

 

“Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm du lịch golf hàng đầu khu vực như Thái Lan khi mà golf ở Việt Nam phát triển hơn, thu hút được một lượng lớn khách du lịch golf quốc tế mỗi năm. Môi trường sẽ cạnh tranh hơn, nhưng điều đó sẽ góp phần đẩy tiêu chuẩn lên cao hơn nữa và đẩy mạnh sự phát triển của bộ môn golf trong thị trường khách trong nước”, ông Darren Robson nói.