Trở lại mỏ vàng Thần Sa vào một ngày hè nắng như đổ lửa trên khắp vùng Bắc bộ, chúng tôi không thể hình dung nổi một vùng đất vốn được coi là bãi vàng thổ phỉ năm nào nay lại có thể yên bình đến thế... Không lều lán, không thổ phỉ và cây rừng xanh ngút ngát trên những triền núi vốn lở loét vì bị đào bới trước kia...
Ám ảnh câu chuyện quá khứ
Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng trên 40km nhưng con đường dẫn vào mỏ vàng Thần Sa thật khó đi với thế núi ngoằn ngoèo và đường đất lộ đá hộc sắc lẹm. Ngồi cùng xe với chúng tôi, người dẫn đường là một cán bộ phòng khoáng sản của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho biết “như vậy là còn dễ đi lắm rồi, trước đây, khi khu mỏ này chưa được giao cho Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long khai thác, vùng này chẳng khác một trận địa bị “nã pháo” bởi những hố, bưởng do vàng tặc đào xới suốt ngày đêm”.
Gọi là “xưa” song cũng chỉ cách đây gần 10 năm, lúc đó Thần Sa là bãi vàng "thổ phỉ" lớn nhất khu vực miền Bắc. Việc khai thác vàng trái phép tại Bản Ná - Thần Sa trong nhiều năm liên tiếp là điểm nóng của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, bởi lẽ nó không chỉ làm thất thoát tài nguyên quốc gia, mà còn là một điểm nóng nhức nhối về tệ nạn xã hội. Đó là chưa kể việc khai thác trái phép này còn huỷ hoại môi trường sinh thái khu vực xã Thần Sa.
Anh Nguyễn Bá Chính - Trưởng phòng Phòng quản lý Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết: Ngày ấy tại khu vực chúng tôi đang tiến đến, dọc con đường qua núi, qua suối, tiếng máy nổ sàng tuyển đất đá, tiếng la hét, chửi bới nhau ầm ĩ suốt ngày. Không một ngày nào nơi đây không xảy ra vài vụ chém, giết giành giật địa bàn khai thác. Rồi ma tuý, mại dâm theo chân người săn vàng đổ về... Đời phu mỏ vàng, dân thổ phỉ thì ai mà không hiểu, làm được đồng nào, thợ đào vàng nướng hết vào thuốc phiện và gái. Cả vạn người săn vàng từ trước tới nay, may ra chỉ có vài người có thể đổi đời, số còn lại sau khi tỉnh cơn mê đều thân tàn ma dại vì bệnh tật. Những vụ sập hầm liên miên khiến nhiều người chết mà không tìm thấy xác...
Từ những năm 2000, chính quyền huyện Võ Nhai và tỉnh Thái Nguyên cũng đã liên tục mở các đợt truy quét "vàng tặc", đồng thời cắt cử cán bộ công an, quân đội cùng xuống chốt giữ thì tình hình mới tạm yên. Thế nhưng cứ mỗi khi lực lượng này rút đi, một số nhóm người nhỏ lẻ, tự phát lại lén lút vào khai thác.
Đổi thay khi có chủ
Lãnh đạo địa phương xác định, để giải quyết tình trạng trên cần có một đơn vị đứng ra quản lý, khai thác, vừa tận thu tài nguyên quốc gia, vừa giữ ổn định an ninh trật tự, ổn định môi trường. Bên cạnh đó, phải làm gì để 3.000 nhân khẩu đang có nguy cơ đói dài vì mất tư liệu sản xuất, có việc làm, đời sống được no đủ?
Lúc đó, ông Trần Văn Tập - Chủ tịch UBND xã Thần Sa đã quyết định kiến nghị với tỉnh: "Nhà nước cần đầu tư khai thác với công nghệ cao để người dân ở đây có thể tham gia, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời cải tạo lại môi trường sinh thái đã bị huỷ hoại".
Kiến nghị của vị Chủ tịch xã vốn khắc tinh với "vàng tặc" đã trùng với chủ trương của UBND Thái Nguyên. Do vậy, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành hướng dẫn các doanh nghiệp lập dự án khai thác trình UBND tỉnh để xem xét, lựa chọn đơn vị có năng lực, có dự án khả thi để cấp phép khai thác.
Tháng 9/2008, mỏ vàng Bản Ná - Thần Sa được giao chính thức cho Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác Khoáng sản Thăng Long khai thác. Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng đường điện… Phải đến tháng 3 năm 2011, đơn vị chính thức bắt tay vào tận thu khai thác.
Từ đó, các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Thái Nguyên đã đi vào nền nếp, dân đào vàng ở Thần Sa đã rút đi hết. Đến khu mỏ vàng Thần Sa hôm nay, một không khí lao động quy củ hiện ra. Không còn vàng tặc, không còn lều lán ven đường và không còn tệ nạn xã hội.
Mong muốn mở rộng khai thác để phát triển
Qua rất nhiều các cuộc kiểm tra, giám sát của tỉnh cũng như của các đoàn công tác các ban ngành Trung ương đều đánh giá doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc các quy định về kỹ thuật khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp cũng thực hiện đầy đủ các hồ sơ về thiết kế kỹ thuật khai thác, bãi đổ thải, hồ sơ cấp thoát nước, điều hành mỏ, dây chuyền công nghệ chế biến. Tại thời điểm đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, toàn bộ khai trường mỏ vàng sa khoáng Bản Ná – Thần Sa diện tích 36,2 ha chia thành các moong khai thác đều đảm bảo đúng kỹ thuật và an toàn lao động.
Ông Nguyễn Huy Quý – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ĐXD và Khai thác Khoáng sản Thăng Long cho biết: Từ tháng 3/2011 đến nay Công ty đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 50 tỷ đồng và gần 20 tỷ đồng cho phúc lợi xã hội. Cụ thể là cung cấp và bù giá điện cho 60 hộ dân khu vực lân cận, mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng chênh lệch giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất; xây dựng 3 phòng học cho trường tiểu học xóm Xuyên Sơn và các thiết bị cần thiết cho lớp học; hoàn thiện 2 nhà văn hóa cho xóm Kim Sơn và xóm Trung Sơn; lắp đặt trạm bơm cho xóm Kim Sơn, tổng trị giá các công trình gần 500 triệu đồng…
Những gắn kết tích cực của Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã tạo nên mối quan hệ tốt với địa phương, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào, ổn định trật tự vùng vàng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Huy Quý chia sẻ: Thực tế mỏ được cấp phép cho doanh nghiệp từ năm 2008 song đến đầu năm 2011 mỏ vàng Bản Ná mới có hiệu quả vì vàng sa khoáng khu vực mỏ được cấp có trữ lượng và chất lượng không được như mong muốn. Trong khi đó Công ty đã đầu tư một khoản vốn khá lớn vào máy móc và trang thiết bị hiện đại để khai thác, chế biến. Chính vì vậy, hiện công ty đang rất mong muốn được cấp phép thăm dò và khai thác mở rộng mỏ.
Trong chuyến thị sát mới đây của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã đánh giá cao những kết quả mà Công ty cổ phần ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã thực hiện trong những năm qua, đặc biệt là việc Công ty phối hợp hiệu quả với địa phương trong việc an sinh xã hội cho bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Về nhu cầu mở rộng mỏ của công ty, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với những doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; có đầu tư công nghệ hiện đại, khai thác có hiệu quả, có đóng góp tích cực cho địa phương và ngân sách quốc gia, Bộ TN&MT sẵn sàng ủng hộ. Thứ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hướng dẫn cho doanh nghiệp làm các thủ tục cần thiết để sớm được cấp phép mở rộng mỏ khai thác.