Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang ngày càng mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam khi nhu cầu của khách du lịch không còn đơn giản là ăn một bữa ngon, ngủ một giấc dài.
Trong quá khứ, cùng với Sapa, Tam Đảo là địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng bậc nhất tại miền Bắc. So với Sapa, Tam Đảo có lợi thế lớn khi quãng đưỡng di chuyển chỉ bằng 1/5 tính từ Hà Nội. Nhưng trong khi Sapa ngày càng được du khách trong và ngoài nước lựa chọn như một điểm dừng chân lý tưởng thì Tam Đảo lại bị lãng quên bởi dịch vụ nghèo nàn và cơ sở vật chất, hạ tầng nhiều năm không được nâng cấp.
Thiên nhiên ưu đãi, dịch vụ nghèo nàn
Tam Ðảo được thiên nhiên ưu đãi với Vườn Quốc gia Tam Đảo bao quanh. 3 đỉnh núi đã đi vào huyền thoại và thơ văn là Rùng Rình, Thiên Thị và Thạch Bàn, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và còn lưu giữ được hệ sinh thái rừng nguyên sinh hết sức đa dạng. Từ trên đỉnh Rùng Rình cao 1.300 m phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách có thể trông thấy phía chân trời một phần Thủ đô Hà Nội, TP. Vĩnh Yên, TP. Việt Trì và hồ Núi Cốc tận Thái Nguyên...
Điểm hấp dẫn nhất ở Tam Đảo là không khí mát mẻ, trong lành. Một ngày ở đây có đủ 4 mùa xuân – Hạ - Thu – Đông với thời tiết lạnh và sương mù vào sáng sớm, trưa có nắng ấm và rét nhẹ về đêm. Có một thời, đây là điểm đến được lựa chọn của các đôi tình nhân. Nhưng ngày nay, khi nhu cầu của các đôi uyên ương không còn đơn giản là ăn một bữa ngon, ngủ một giấc dài, Tam Đảo không còn được lựa chọn nhiều như trước.
Du khách đến Tam Đảo phổ biến nhất hiện nay là các gia đình nghỉ cuối tuần với thời gian 2 ngày, 1 đêm. Nhưng với chừng ấy thời gian cũng là quá nhiều để du ngoạn phố núi nhỏ bé này. Ngày đầu tiên trôi nhanh khi du khách chìm đắm vào không khí trong lành và sự yên tĩnh của núi rừng. Đến ngày thứ 2, nhiều người nói vui là nếu không “nhậu”, du khách sẽ chẳng biết giải trí bằng cách nào khi thị trấn nhỏ hầu như không có dịch vụ vui chơi gì đáng kể.
Điểm nhấn chủ yếu của Tam Đảo có thể kể đến là nhà thờ cổ được xây dựng vào năm 1937. Cùng với Thác Bạc, Thánh đường là những điểm thăm quan khá lý thú, nhưng cũng chỉ “tiêu tốn” của du khách chừng hơn 2 giờ đồng hồ. Các điểm dừng chân khác như: Đỉnh Rùng Rình hay tháp truyền hình thu hút các bạn trẻ ưa khám phá nhưng với hầu hết du khách, đặc biệt là khách du lịch nghỉ dưỡng và các gia đình có trẻ nhỏ thì đó là những lựa chọn vất vả nếu không muốn nói là mạo hiểm. Nói chung, rất khó để tìm 1 điểm dừng chân ý nghĩa, đặc biệt là với những người đã từng đến nơi này.
Người dân tự ý xây dựng nhà hàng, khách sạn đã vô tình “băm nát” mọi khoảng không của Tam Đảo. |
Hạ tầng xuống cấp
Nằm cách Hà Nội 75km về phía Tây Bắc, theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, du khách mất khoảng hơn 1 giờ ô tô để đến Tam Đảo. 50km cao tốc dễ dàng đưa du khách đến chân Tam Đảo nhưng hơn chục km từ dưới chân lên đỉnh với khổ đường 7m thực sự là một thử thách với các tay lái. Cuối tuần là khoảng thời gian tấp nập nhất ở Tam Đảo, nhưng ngay khi có vài mươi chiếc xe du lịch nối đuôi nhau, con đường dẫn lên Tam Đảo đã trở nên quá tải. Những tay lái lần đầu trải nghiệm cung đường có thể cảm nhận rõ sự nguy hiểm sau mỗi khúc cua tay áo, đặc biệt là khi bất chợt có xe ngược chiều.
Đến Tam Đảo, du khách dễ dàng nhận ra các nhà nghỉ, khách sạn ven đường khá đơn điệu với lối kiến trúc chủ yếu là dạng nhà “ống” thường thấy ở các thị trấn, thị tứ. Người dân tự ý xây dựng nhà hàng, khách sạn đã vô tình “băm nát” mọi khoảng không. Các khu nhà mới cũ đan xen với các căn biệt thự thời Pháp nay chỉ còn là phế tích càng khiến thị trấn thêm vẻ thê lương mỗi buổi chiều về. Chỉ có những ruộng rau su su trồng giữa các bờ rào đá xếp xen lẫn với nền đất của các căn biệt thự bỏ hoang là khoảng không gian ấn tượng nhất với du khách.
Khí hậu và không gian núi rừng Tam Đảo phù hợp nhất với loại hình du lịch – nghỉ dưỡng. Nhưng sau nhiều năm làm du lịch theo kiểu tự phát, mạnh nhà nào nhà ấy làm, Tam Đảo đang ngày càng mờ nhạt trong ký ức của du khách; Đặc biệt là khi bản đồ du lịch Việt Nam đã có nhiều điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn trải dọc khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Thực tế, tháng 10/2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố Quy hoạch Khu du lịch Tam Đảo I. Theo quy hoạch chi tiết, không gian cảnh quan kiến trúc sẽ hình thành các vùng không gian chức năng, vùng công trình có tầng cao phù hợp với địa hình, cảnh quan toàn khu, đồng bộ về hạ tầng và phù hợp với văn hóa địa phương;
Hình thành các trục giao thông chính quanh khu trung tâm với vườn hoa, đường dạo cùng các công trình nhỏ tạo nét đặc trưng cho thị trấn Tam Đảo. Từ đó tạo nên các tuyến không gian xanh kết hợp giữa mặt nước và cây xanh, đường dạo tạo thành tuyến liên hoàn. Đối với khu công viên trung tâm xây dựng vườn hoa, các công trình phục vụ du lịch, các khách sạn, biệt thự làm điểm nhấn; hình thành các vùng phát triển du lịch từ thấp đến cao theo địa hình với các nhà nghỉ, khách sạn và resort xung quanh,… Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý rác thải, hệ thống thông tin liên lạc một cách đồng bộ, hiện đại,…
Nhưng có lẽ, sẽ còn rất xa du khách mới được thấy một Tam Đảo lý tưởng như vậy, trong khi không địa phương nào đứng im chờ Tam Đảo thức giấc. Bài học của những địa phương đi trước trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng là để thu hút được tầng lớp khách du lịch có nhiều khả năng chi trả tốt là phải có một cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp và những dịch vụ vui chơi giải trí ở mức đủ để giữ chân du khách từ 3 đến 5 ngày. Trong khi những địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Sapa... sau nhiều năm đã vươn lên, khẳng định được vị trí trong lòng du khách thì Tam Đảo đang ngày càng trở nên bé nhỏ và lạc lõng trên bản đồ du lịch Việt Nam.