Cơ hội và thách thức đầu tư vào công nghiệp điện tử

09:32, 17/11/2015

Theo thông tin mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì ngành công nghiệp điện tử đã và đang là lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến những tháng cuối năm nay, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã thu hút được khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư công nghiệp điện tử lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… đều đã đầu tư làm ăn lớn tại Việt Nam. Các nhà máy sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử đang là những lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Samsung là một trong các nhà đầu tư lớn nhất với 2 nhà máy với mức đầu tư 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh và hơn 2 tỷ USD tại Thái Nguyên. Sau khi nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Thái Nguyên đi vào hoạt động, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp tục đầu tư tại đây với hàng trăm triệu USD vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử, tạo thành khu sản xuất công nghệ cao, hứa hẹn nhiều thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đó Samsung cũng đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào khu công nghệ cao của T.P Hồ Chí Minh để xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử, đưa Samsung trở thành nhà đầu tư công nghiệp điện tử lớn nhất và có tương lai nhất tại Việt Nam.

 

Với việc tăng mạnh đầu tư FDI, từ năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp điện tử luôn dẫn đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng 30 tỷ USD. Với thị phần và tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam đã là một trong các nước ASEAN có tỷ trong xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất hiện nay, trở thành nước đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu hàng điện tử và đứng thứ 3 ASEAN trong lĩnh vực này.

 

Tương lai về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của Việt Nam vẫn đang rất rộng mở. Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài đã có xu hướng chuyển các nhà máy sản xuất điện tử từ nơi khác sang Việt Nam để tận dụng những ưu đãi về đầu tư. Các quy tắc về xuất sứ của TPP hay AEC cũng sẽ ràng buộc các nhà đầu tư phải đầu tư sâu hơn, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để tăng tỷ lệ nội địa hoá nhằm tận dụng những ưu đãi và cơ hội để thâm nhập thị trường TPP và AEC. Đây cũng là một thách thức cho các nhà đầu tư FDI khi đầu tư vào Việt Nam chỉ ở mức độ lắp ráp, gia công, nên sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của TPP và AEC.

 

Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến đầu tư lĩnh vực công nghiệp điện tử đó là các doanh nghiệp sản xuất điện tử của Việt Nam còn rất yếu, chưa thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp thiết bị phụ trợ cho các nhà máy FDI. Theo Samsung cho biết, trong số các doanh nghiệp đang cung cấp linh kiện điện tử cho chuỗi sản xuất của Samsung chỉ có khoảng 10% là các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ là phần cung ứng bao bì, in ấn… không có giá trị cao về giá trị sản phẩm và không tiếp thu được công nghệ tiên tiến, không có sức lan toả tới nền kinh tế. Một thách thức nữa đó là sự cạnh tranh thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực điện tử giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng gay gắt, vì vậy sẽ không tránh khỏi việc các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển nhà máy đang đặt tại Việt Nam sang đầu tư tại các nước khác để tận dụng những ưu đãi đầu tư, khiến cho việc đầu tư sản xuất hàng điện tử thiếu tính bền vững.