Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ đầu đến ngày 20-3, cả nước thu hút được hơn bốn tỷ USD vốn FDI cấp mới và bổ sung, trong khi vốn FDI thực hiện trong quý I ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-3-2016 thu hút 473 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 2,740 tỷ USD, tăng hơn 77% về số dự án và tăng hơn 125% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 203 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung vốn với hơn 1,285 tỷ USD.
Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt hơn 4,026 tỷ USD, tăng hơn 119% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện quý I/2016 ước tính đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Công nghiệp chế biến, chế tạo hút vốn nhất
Trong ba tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 2,908 tỷ USD, chiếm hơn 72% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 240 triệu USD, chiếm 6%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt hơn 212 triệu USD, chiếm 5,3%; các ngành còn lại đạt 666,3 triệu USD, chiếm 16,5%.
FDI đổ vào Hà Nội nhiều nhất
Cả nước có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án FDI được cấp phép mới trong ba tháng, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 250,6 triệu USD, chiếm hơn 9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Tiền Giang 236,5 triệu USD, chiếm 8,6%; Bình Dương hơn 236 triệu USD, chiếm 8,6%; Bắc Ninh hơn 212 triệu USD, chiếm 7,7%; Bắc Giang hơn 211 triệu USD, chiếm 7,7%; Đồng Nai 194,6 triệu USD, chiếm hơn 7%; TP Hồ Chí Minh 192,4 triệu USD, chiếm 7%; Cần Thơ 171,5 triệu USD, chiếm 6,3%.
Hàn Quốc dẫn đầu
Trong số 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong ba tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 513,5 triệu USD, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore gần 450 triệu USD, chiếm 16,4%; Đài Loan (Trung Quốc) 385,9 triệu USD, chiếm hơn 14%; Malaysia 242,4 triệu USD, chiếm 8,8%; Nhật Bản gần 209 triệu USD, chiếm 7,6%; Hồng Công (Trung Quốc) gần 172 triệu USD, chiếm 6,3%...