Tháo gỡ khó khăn trong thi công đường qua đèo Nhâu

16:18, 17/03/2016

Hiện nay, nhiều hạng mục của tuyến đường liên huyện từ Linh Nham (Đồng Hỷ) đi đèo Nhâu (Võ Nhai) đã thi công xong và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, gói thầu hạ thấp đèo Nhâu theo đúng thiết kế của Dự án gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở. Các đơn vị liên quan đang tập trung tháo gỡ khó khăn khó khăn để đẩy nhanh tiến độ Dự án…

Tuyến đường đèo Nhâu - Linh Nham dài gần 20km do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 80 tỷ đồng theo Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tình miền núi phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Dự án này đã cơ bản hoàn thành và khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 5 xã phía Đông Nam của huyện Võ Nhai (Liên Minh, Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long, Phương Giao) và 3 xã: Văn Hán, Cây Thị, Nam Hòa (Đồng Hỷ). Ông Hoàng Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Trước đây, khi chưa thực hiện Dự án nâng cấp tuyến đường, người dân đi qua đây gặp rất nhiều khó khăn, thời tiết mưa thì không đi qua được đây. Hiện nay, đường qua đèo Nhâu đang được đầu tư hạ thấp độ cao, nâng cấp mặt đường nên khi đưa vào sử dụng, người dân ở Võ Nhai sẽ tiết kiệm được thời gian khi đi về T.P Thái Nguyên. Không những vậy, việc đưa vào sử dụng tuyến đường này sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng cho người dân trong khu vực…  

 

Thông đường từ là điều mong ước của nhiều người dân ở hai huyện trên nhưng việc thi công tại khu vực đèo Nhâu đang gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở và thời tiết bắt đầu mưa. Có mặt tại công trường thi công tại khu vực đèo Nhâu, chúng tôi thấy nhiều phương tiện, thiết bị của nhà thầu đang tập trung để san đồi, hạ thấp taluy để mở rộng mặt đường… Dọc hai bên đường là những taluy cao gần 30m, điểm cao nhất là 80m so với thiết kế mặt đường. Anh Nguyễn Văn Hải là công nhân lái máy xúc đang thi công ở đây cho biết: Độ dốc lớn, taluy cao nên để đảm bảo theo đúng thiết kế, đơn vị phải mở rộng taluy từ đỉnh núi xuống nên phương tiện di chuyển khó khăn, nguy hiểm. Bên cạnh đó, tại khu vực 2 bên taluy chủ yếu là đá phiến xen kẽ với đất nên nguy cơ sụt, sạt lở rất cao. Đặc biệt, khi thời tiết có mưa thì không thể thi công được…

 

Để kịp tiến độ bàn giao công trình cho chủ đầu tư trong quý II năm nay, ngoài việc tập trung tối đa phương tiện, nhân lực, đơn vị thi công đã, đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công. Ông Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ (đơn vị thi công gói thầu hạ đèo Nhâu) cho biết: Theo thiết kế của Dự án, mặt đường đèo Nhâu phải hạ thấp 12m so với trước đây. Chính vì vậy, đơn vị thi công phải mở taluy từ đỉnh núi ở 2 bên đường, hàng ngàn khối đất đá phải chuyển đi. Trong quá trình thi công, vì phải hạ thấp và tránh độ đứng của taluy nên đã phải lấn thêm vào phần đất của người dân nên chính quyền 2 xã Liên Minh (Võ Nhai) và Văn Hán (Đồng Hỷ) và đơn vị thi công tích cực vận động để nhân dân hiến đất, còn phần tài sản trên đất đã được đơn vị thi công chủ động đền bù. Hiện nay, khối lượng thi công đã đạt 90% và chắc chắn đến hết Quý II năm 2016, gói thầu hạ đèo Nhâu sẽ hoàn thành và sử dụng. Bên cạnh đó, taluy 2 bên đường cao và nguy cơ sụt, sạt cao nên chúng tôi đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ để lắp tấm hộ lan đoạn qua đây. Hiện nay, đơn vị đang tập trung tối đa nhân lực và phương tiện để hoàn thành đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh…

 

Việc hạ thấp độ cao đường liên huyện Võ Nhai - Đồng Hỷ đoạn qua đèo Nhâu đang được thi công gấp rút để hoàn thành theo đúng tiến độ và thiết kế. Tuy nhiên, địa hình khu vực này hiểm trở, taluy cao nên nhiều nguy cơ sạt lở, xảy ra tai nạn đối với công nhân trực tiếp thi công và người dân qua lại khu vực này. Do vậy, chủ đầu tư Dự án, chính quyền địa phương nên thường xuyên kiểm tra, giám sát và có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhà thầu trong quá trình thi công công trình...