Đưa điện về các xóm bản miền núi, vùng cao

18:09, 05/08/2016

Thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đề ra mục tiêu đến năm 2018, 100% xóm, bản trên địa bàn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Mặc dù, các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực song việc đưa điện về với đồng bào ở các xóm bản miền núi, vùng cao vẫn còn không ít khó khăn.  

Mòn mỏi chờ điện lưới Quốc gia

 

Theo chân cán bộ Điện lực Võ Nhai đến xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn, một trong 21 xóm bản chưa có điện của huyện vùng cao Võ Nhai, từ trung tâm xã, chúng tôi phải vượt qua 3 con suối và quãng đường lởm chởm đá cuội gần 4km mới đến được xóm. Anh Triệu Đức Thành, Trưởng xóm Khe Rạc cho biết: Xóm có 60 hộ, gần 400 nhân khẩu, toàn bộ là đồng bào dân tộc Dao. Bà con sống dựa vào sản xuất nông với cây trồng chủ đạo là ngô và lúa nương, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40%. Vì đường  sá khó khăn, địa hình cách trở nên đến nay, đồng bào vẫn chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia.

 

Để thỏa “cơn khát điện”, cuối năm 2015, khoảng chục hộ gia đình có điều kiện trong xóm đã bán trâu, bán thóc cùng góp tiền dựng cột, kéo điện từ trung tâm xã về sử dụng. Thế nhưng do khoảng cách quá xa nên nguồn điện rất yếu lại chập chờn, hơn nữa, tổn thất điện năng lớn khiến người dân phải trả gần 4 nghìn đồng/số điện. Anh Triệu Văn Lành cho hay: “Tôi phải bán cả đàn gà và hơn 1 tấn ngô mới đủ tiền mua dây kéo điện, nhưng điện yếu, không sao chè, chạy máy bơm nước được. Buổi tối bóng điện chỉ sáng hơn ngọn đèn dầu một chút. Tôi vẫn phải sắm thêm một bình ắc quy nữa để cho các cháu học bài chứ đợi đến khi điện sáng thì khuya quá rồi”.

 

Nằm cách Khe Rạc khoảng 1km là xóm Cao Sơn, xã Vũ Chấn, hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Dao ở đây cũng chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Trước, một vài hộ dân sống ở gần suối đã mua máy phát điện chạy bằng sức nước về sử dụng nhưng vài năm trở lại đây nước suối ngày càng cạn dần, máy phát chỉ chạy được vào mùa mưa. Hơn nữa, máy phát điện bằng sức nước công suất nhỏ nên nếu có chạy được cũng chỉ đủ để thắp sáng. Bà Đặng Thị Thanh ao ước: “Nhiều lần xuống núi đến các xóm khác, thấy người ta dùng điện nấu cơm, xem ti vi, thắp sáng cho trẻ học bài mà thèm. Không biết đến khi nào, chúng tôi mới có điện?”.

 

Ước mơ sắp trở thành hiện thực

 

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 31 xóm, bản (với 1.440 hộ gia đình) chưa có điện lưới Quốc gia. Trong đó, Võ Nhai có 21 xóm bản; còn lại 10 xóm, bản thuộc huyện Đồng Hỷ. Lý giải nguyên nhân, ông Dương Thái Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: Đây đều là xóm, bản xa xôi, địa hình hiểm trở. Các xóm, bản lại nằm cách xa trung tâm, dân cư thưa thớt nên suất đầu tư để cấp điện quá lớn (trung bình khoảng 8 -12 tỷ đồng/xóm, bản). Trong khi đó, kinh phí của ngành Điện và nguồn ngân sách địa phương chưa đủ điều kiện đầu tư, các nguồn vốn hỗ trợ, vốn chương trình mục tiêu của Nhà nước còn thấp và dàn trải…

 

Được biết cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Chương trình cấp điện nông thôn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Dự án được giao cho Sở Công Thương chủ trì thực hiện với tổng mức đầu tư trên 207 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (85%) và ngân sách tỉnh (15%). Mục tiêu của dự án là đến hết năm 2018, 100% xóm, bản trên địa bàn tỉnh sẽ được sử dụng điện lưới Quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án đã gặp khó khăn do Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn. Trước tình hình đó, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định trích nguồn ngân sách tỉnh năm 2016, tạm ứng 60 tỷ đồng để khởi công Dự án trong quý III năm nay. Sau khi có vốn tạm ứng, Sở Công Thương đã bắt tay ngay vào triển khai Dự án. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ mời thầu gói thầu tư vấn, khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình cấp điện đối với các xóm, bản trên địa bàn huyện Võ Nhai đã được UBND tỉnh thông qua. Dự kiến công trình đầu tiên sẽ được khởi công vào giữa tháng 8 này tại xóm Kẹ, xã Liên Minh (Võ Nhai).

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương cho biết: Việc cung cấp điện lưới Quốc gia cho vùng đồng bào miền núi, vùng cao không vì mục đích kinh doanh mà chủ yếu nhằm mục tiêu an sinh xã hội. Chính vì vậy, dù biết trước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, song chúng tôi quyết tâm sẽ nỗ lực tập trung hết sức để triển khai Dự án đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi mong các địa phương tham gia Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án.

 

Có đến những xóm, bản miền núi, vùng cao xa xôi mới thấu hiểu sự khó khăn, vất vả và nỗi khát khao được sử dụng điện lưới Quốc gia của đồng bào các dân tộc. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các cấp, ngành liên quan thì ước mơ nhiều đời nay của người dân sẽ sớm trở thành hiện thực.