Vốn FDI: Thu hút hơn 14 tỷ USD, giải ngân gần 10 tỷ USD

07:56, 25/08/2016

Ngày 24-8, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20-8-2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,366 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, cả nước có 1.619 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 9,795 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,571 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Cũng trong tám tháng qua, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Xuất siêu hơn 15 tỷ USD

 

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong tám tháng đầu năm 2016 đạt 79,572 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 70,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong tám tháng đầu năm 2016 đạt 78,099 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 69,6% kim ngạch xuất khẩu.

 

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong tám tháng đầu năm 2016 đạt 64,386 tỷ USD, bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,6% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong tám tháng đầu năm 2016, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 15,186 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 13,713 tỷ USD không kể dầu thô.

 

Công nghiệp chế biến, chế tạo hút đầu tư nhất

 

Trong tám tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 678 dự án đầu tư đăng ký mới và 551 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,53 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tám tháng.

 

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 836,2 triệu USD, chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 622,3 triệu USD, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư..

 

Hàn Quốc dẫn đầu, Hải Phòng số 1

 

Tháng tám tháng đầu năm 2016 có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,679 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,46 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.

 

Trong tám tháng đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 30 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,02 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,782 tỷ USD, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,59 tỷ USD và 1,38 tỷ USD.

 

ASEAN đăng ký hơn 2,7 tỷ USD vào Việt Nam

 

Trong tám tháng đầu năm 2016, đã có 208 dự án cấp mới từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,23 tỷ USD và 99 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 536,7 triệu USD. Tính chung trong tám tháng năm 2016, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,768 tỷ USD, chiếm 19,27% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong tám tháng.

 

Trong tám tháng năm 2016, các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 63 dự án cấp mới và 54 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 559 triệu USD, chiếm 20,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải và nghệ thuật vui chơi, giải trí với tổng vốn đầu tư lần lượt là 229 triệu USD và 185,8 triệu USD.

 

Trong các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam trong tám tháng năm 2016, Singapore là nước dẫn đầu với 127 dự án cấp mới và 59 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam. Tiếp theo là Thái Lan (414 triệu USD, chiếm 14,9%); Malaysia (376,7 triệu USD, chiếm 13,6%); Brunei (275 triệu USD, chiếm 9,9%). Một số ít dự án còn lại thuộc Indonesia, Lào và Campuchia.

 

Trong tám tháng năm 2016, các nước khu vực ASEAN đã đầu tư tại 32/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với bảy dự án cấp mới và 13 lượt dự án điều chỉnh vốn, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam trong tám tháng năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 537 triệu USD, chiếm 19,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hà Nội xếp thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 510 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang,…