Hướng tới liên danh, liên kết trong đầu tư xây dựng hệ thống chợ

11:00, 12/09/2016

Là nơi diễn ra hoạt động mua bán hay trao đổi các sản phẩm, hàng hóa khác nhau, chợ có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của người dân. Bởi vậy, nhiều năm trở lại đây, Thái Nguyên rất quan tâm đầu tư nâng cấp mạng lưới chợ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 139 chợ, tăng 4 chợ so với năm 2010, trong đó có 3 chợ lọai 1, 10 chợ loại 2 và 126 chợ loại 3. Riêng trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh đã xây mới được 11 chợ; sửa chữa, nâng cấp 42 chợ, tạo ra hơn 440 nghìn m2 sử dụng với tổng kinh phí 253,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ chiếm hơn 73% tổng vốn đầu tư.

 

Có thể khẳng định, nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh tại các chợ đã góp phần tăng giá trị ngành Thương mại trên địa bàn, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh. Hoạt động mua bán qua mạng lưới chợ đã trở thành một kênh quan trọng tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy, hải sản và sản phẩm các làng nghề, cung ứng vật tư cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống sinh hoạt nhân dân trong tỉnh. Chợ phát triển tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tạo thuận lợi cho trao đổi và mua bán hàng hóa của cư dân trên địa bàn, góp phần cải thiện đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, một thực tế là hiện tại, điều kiện thiết yếu của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Nhất là các chợ ở khu vực nông thôn miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư.

 

Có mặt tại một buổi chợ phiên của chợ Văn Yên (Đại Từ), chúng tôi nhận thấy lượng người đến giao thương, mua bán hàng hóa rất tấp nập. Nằm ở khu vực trung tâm xã, thuộc địa phận xóm Giữa, chợ Văn Yên thường họp và các ngày 2, 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch hằng tháng. Do khu vực họp chợ rất gần với các xã bạn như Cát Nê, Mỹ Yên, Ký Phú, Vạn Thọ, Quân Chu... nên mỗi phiên chợ, chợ nông thôn này thu hút tới gần chục nghìn lượt người đến mua, bán các loại hàng hóa nông sản cũng như các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Mặc dù lượng người đến giao thương đông như vậy nhưng cơ sở hạ tầng của chợ nông thôn này chưa được xây dựng. Hiện tại, chợ chỉ là khu đất rộng 2.000m2 với các lều, quán được dựng tạm bợ bằng tre, nứa. Ông Ngô Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cơ sở vật chất của chợ tạm bợ gây nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương hàng hóa của người dân. Các lều, quán tạm bợ chỉ có thể che chắn hàng hóa vào những ngày nắng chứ không phát huy tác dụng vào ngày mưa. Chúng tôi rất muốn xây dựng cơ sở vật chất cho khu chợ nhưng kinh phí đầu tư rất lớn, khoảng 8 tỷ đồng nên nhiều năm nay, địa phương chưa có thu xếp được nguồn vốn.

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ riêng Văn Yên mà rất nhiều xã nông thôn trong tỉnh chưa xây dựng được cơ sở vật chất cho khu vực chợ của địa phương mình. Theo khảo sát của Sở Công Thương, hiện tại, tổng diện tích đất sử dụng cho mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh là xấp xỉ 520 nghìn m2. Trong đó, diện tích chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố mới chỉ chiếm gần 200 nghìn m2; phần lớn còn lại (hơn 322 nghìn m2 ) là diện tích chợ ngoài trời, tập trung chủ yếu ở các xã nông thôn, miền núi. Bởi vậy, nhu cầu xây mới, nâng cấp, cải tạo các chợ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, từ nay đến năm 2020, tỉnh ta dự kiến xây mới, nâng cấp gần 40 chợ, nâng tổng số lên 178 chợ, trong đó có 10 chợ đầu mối, 88  chợ loại 1, 19 chợ loại 2 và 141 chợ loại 3. Theo kế hoạch, đối với chợ đô thị, tỉnh dự kiến nâng cấp các khu chợ lớn, nhỏ tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công và thị xã Phổ Yên. Đối với chợ nông thôn, miền núi, tỉnh phấn đấu 100% số xã, phường có chợ được đầu tư nâng cấp cải tạo đạt tiêu chuẩn thiết kế và phù hợp với tiêu trí nông thôn mới; thiết lập, hình thành chợ bán buôn, chợ chuyên, chợ đầu mối theo quy hoạch.

 

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, với chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng hoặc liên doanh, liên kết xây dựng và quản lý, kinh doanh khai thác chợ, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây mới các chợ nông thôn phù hợp với tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến là nâng cấp, cải tạo các chợ còn lại cơ bản đạt được tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời nâng cấp, xây dựng lại các chợ ở các trung tâm thành phố, thị xã, khu công nghiệp tập trung; trung tâm thị trấn, thị tứ của các huyện, thành phố, thị xã, cụm dân cư tập trung. Cùng với đó là đầu tư xây dựng các chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ phiên, chợ đêm… phục vụ nhu cầu cho việc tiêu thụ, trao đổi hàng hoá nông sản của nông dân cũng như nhu cầu bán buôn, bán lẻ và phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.