Không chỉ là một con đường

17:26, 16/09/2016

Tuyến đường từ trung tâm thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) đi cầu Đát Ma (thông sang xã Phục Linh, Đại Từ) dù đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm nay, nhưng vẫn là câu chuyện thời sự ở thị trấn nhỏ này. Việc xây dựng tuyến đường là sự “gặp gỡ” của  ý Đảng - lòng dân nơi đây, kết quả minh chứng cho vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và công tác dân vận được phát huy tốt.

Con đường bê tông dài gần 2km từ trung tâm thị trấn Giang Tiên qua 2 tiểu khu Giang Nam và Giang Long hoàn thành góp phần tạo nên diện mạo mới cho một vùng bán sơn địa thêm chất hữu tình. Vậy nhưng chỉ vài tháng trước, việc phải đi qua đoạn đường này là cơn ác mộng thực sự với nhiều người. Chị Đặng Thị Châm, một người dân ở tiểu khu Giang Long nhớ lại: “Mặt đường toàn ổ trâu, ổ voi, xấu không tả hết”. Có nhà ở cuối con đường, bà Nguyễn Thị Ngái (78 tuổi) nói: “Hễ có mưa là nhiều ngày tôi không dám ra đường, khổ nhất là đám học trò, nhiều cháu ngã lấm lem quần áo nên phải quay về”… Trong nhiều diễn đàn, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân liên tục chất vấn lãnh đạo địa phương vì đường quá xuống cấp.

 

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Giang Tiên, đồng chí Đặng Quang Minh cho biết: Người dân rất khát khao làm đường và đã 2 lần mừng hụt khi được cấp trên cho lập dự toán nhưng phải dừng lại vì cắt giảm đầu tư công. Lãnh đạo thị trấn cũng trăn trở nhiều năm qua trong việc tìm giải pháp khả thi. Khó nhất với chúng tôi là tìm nguồn vốn bởi thị trấn không được hỗ trợ theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đợi vốn được cấp thì chưa biết đến bao giờ. Từ thực tế đó, Đảng ủy xác định việc lãnh đạo xây dựng tuyến đường từ trung tâm thị trấn đi đến cầu Đát Ma bằng vốn xã hội hóa là một nhiệm vụ trọng tâm đầu nhiệm kỳ này. Với sự thống nhất và quyết tâm cao, Đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng tuyến đường, nhằm “phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…, phát huy tinh thần tự giác, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên”.

 

Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, UBND thị trấn Giang Tiên đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý (chủ yếu gồm cán bộ của tất cả các tiểu khu) và Tổ giúp việc làm đường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Xây dựng kế hoạch chi tiết gồm 3 giai đoạn với 9 bước, đồng thời dự kiến các phương án huy động vốn để xin ý kiến nhân dân và trình HĐND thị trấn xem xét thông qua. Tại các cuộc họp dân của tất cả 8 tiểu khu, ngoài các đồng chí đảng ủy viên và những cán bộ được phân công phụ trách địa bàn, lãnh đạo chủ chốt của Đảng ủy, HĐND và UBND đều chia nhau đến dự họp nhằm lắng nghe ý kiến và công khai, giải thích mọi vấn đề với người dân.

 

Hai  việc khó nhất khi làm tuyến đường này là vận động nhân dân hiến đất và đóng góp đối ứng được Đảng ủy quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện. Theo dự toán thì tuyến đường có tổng mức đầu tư trên 2,4 tỷ đồng, trừ hơn 333 tấn xi măng trị giá trên 400 triệu đồng được tỉnh cấp theo hình thức đầu tư cho tuyến đường bê tông xã Phục Linh nối dài, số tiền còn lại Thị trấn đều phải huy động xã hội hóa. Để giảm gánh nặng cho người dân và cũng nhằm tạo phong trào sôi nổi, Đảng ủy chủ trương huy động mỗi cán bộ, công chức trong xã ủng hộ 1 ngày lương, tích cực vận động các doanh nghiệp trên địa bàn và những hộ kinh doanh ủng hộ thêm. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đóng góp đối ứng 1,5 tỷ đồng.

 

Việc giải “bài toán” khó này được bàn bạc kỹ lưỡng, xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi quyết định theo phương án chia làm 3 mức đóng góp: Người dân ở hai tiểu khu có tuyến đường đi qua (Giang Nam và Giang Long) đóng góp 1,5 triệu đồng/nhân khẩu; các khu vực khác lần lượt là 300 nghìn đồng và 120 nghìn đồng/nhân khẩu. Để mọi người dân đồng thuận với phương án đó, lãnh đạo Thị trấn đã nhiều lần kiên trì đối thoại, giải thích cho các hộ dân ở những khu vực không được hưởng lợi trực tiếp.

 

Tại các tiểu khu, vai trò lãnh đạo của chi bộ, công tác dân vận quần chúng của ban công tác Mặt trận và các đoàn thể được phát huy tốt cũng là một yếu tố góp phần quyết định thành công. Điển hình như tiểu khu Giang Long, dù mặt bằng đời sống kinh tế của người dân thấp nhất thị trấn nhưng bà con vẫn sớm đối ứng (1,5 triệu đồng/nhân khẩu) và tích cực hiến đất. Ngay sau khi có chỉ đạo của Đảng ủy, Chi bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề vận động, lãnh đạo nhân dân làm đường, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể cùng vào cuộc. Bí thư Chi bộ Giang Long Nguyễn Trọng Vỹ chia sẻ: Chi bộ đã họp 3 lần để bàn thấu vấn đề. Chúng tôi thống nhất cho các hộ khó khăn được đóng tiền làm nhiều lần, bản thân tôi và bác Trưởng tiểu khu đã dùng tài sản của nhà thế chấp ngân hàng giúp 36 hộ khó khăn vay gần 300 triệu đồng ngân hàng để đối ứng… Về giải phóng mặt bằng, vì sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và làm tốt công tác dân vận nên 26 hộ dân trong tiểu khu đã đồng ý hiến hàng nghìn m2 đất, di chuyển tài sản để phục vụ thi công kịp thời…

 

Nay công trình đã cơ bản hoàn thành (cần hoàn thiện một số hạng mục và quyết toán). Bà Nguyễn Thị Ngái (gia đình bà đã hiến 150m2 đất và tự nguyện phá dỡ 50 mét tường rào), bày tỏ: “Hàng chục năm khổ sở vì đường, giờ nó đẹp thế này tôi vui lắm!”. Đối với Đảng ủy Thị trấn Giang Tiên thì đây là một kết quả tiêu biểu đầu nhiệm kỳ mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và vận động quần chúng. Qua đó có thêm động lực và kinh nghiệm để lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo.