Tập trung mọi nguồn lực phấn đấu xóa 76 xóm, bản “trắng điện”

17:54, 02/09/2016

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, từ đầu năm 2016 đến nay, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016¬2020, phấn đấu đến hết quý II năm 2018, hoàn thành công tác xóa 76 xóm, bản “trắng điện” trên địa bàn toàn tỉnh.

Với việc trở thành “điểm sáng” của cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm gần đây, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp 4 tỉnh có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 27 tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc Trung bộ; dự báo trong năm 2017, Thái Nguyên sẽ đạt sản lượng điện tiêu thụ đứng thứ 2 ở miền Bắc và tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo (nhận định của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc). Trước đà tăng trưởng đó, trong giai đoạn 2011- 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tập trung đầu tư trên 1.551 tỷ đồng đầu tư gần 1.700 km đường dây cao thế, trung thế, hạ thế; xây dựng biến áp các loại nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn. Cũng theo báo cáo của Công ty Điện lực Thái Nguyên, tính đến đầu năm 2016, lưới điện toàn tỉnh đã được phủ kín tại 140/140 xã trên địa bàn, chiếm tỷ lệ 100%; 99,40% số hộ trên địa bàn đã có điện; 98,8% số xóm, bản trong toàn tỉnh đã có điện.

 

Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 76 xóm, bản thuộc 19 xã trên địa bàn 5 huyện chưa được đầu tư hạ tầng lưới điện (Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa). Đặc biệt, có 27 xóm, bản thuộc các xã vùng cao huyện Võ Nhai (19 xóm, bản) và Đồng Hỷ (8 xóm, bản) chưa có điện hoàn toàn… Trước thực trạng trên, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định việc đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới quốc gia cho các xóm, bản nông thôn trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đầu năm 2016, UBND tỉnh cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-¬2020 và giao cho Sở Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án có mức tổng mức đầu tư trên 207 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương (85%), ngân sách tỉnh (15%).

 

Để Dự án sớm được triển khai và hoàn thành theo đúng kế hoạch, đầu tháng 7-2016, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất đồng ý ứng vốn trước trong 2 năm 2016-2017 từ nguồn ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời giao Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Thái Nguyên và các địa phương tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, phấn đấu đến hết quý II năm 2018 phải hoàn thành việc xóa các xóm, bản “trắng điện” trên địa bàn.

 

Trước sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bộ Công thương, mà trực tiếp là sự ưu tiên bố trí nguồn lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Thái Nguyên, ngày 19-8-2016, tại xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, UBND tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án cấp điện cho các xóm, bản trên địa bàn. Trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân các dân tộc 8 xóm, bản xã Văn Lăng, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thái Nguyên và đại diện các sở, ngành, UBND huyện Đồng Hỷ đã xúc những xẻng đất đầu tiên xây dựng Dự án.

 

 

 

Vận hành thử nghiệm trạm biến áp Khu công nghiệp Yên Bình.

 

Dự án trên cũng là bước khởi động thực hiện thỏa thuận giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm xóa các xóm, bản “trắng điện” trên địa bàn. Đây cũng là Dự án được thực hiện theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013. Với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng, Dự án sẽ đảm bảo cấp điện cho 698 hộ dân tại 8 xóm, bản của Văn Lăng, đồng thời giúp xã hoàn thành Tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và cấp điện vào đầu năm 2017.

 

Có thể nói, Dự án cấp điện cho các xóm, bản ‘trắng điện” trên địa bàn tỉnh là một trong những vấn đề cấp thiết được đặt ra ngay từ năm 2010. Trên cơ sở Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh khóa XII thông qua, UBND tỉnh đã trình và đề nghị Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 4899/QĐ-BCT ngày 21/9/2010; Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020, tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 (trong đó có tỉnh Thái Nguyên), UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quyết định điều chỉnh dự án, đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cấp vốn thực hiện đầu tư các dự án điện nông thôn cấp bách tại một số xã trên địa bàn. Tuy nhiên, do khó khăn về việc phân bổ nguồn vốn nên trong một thời gian dài, dự án vẫn chưa được triển khai.

 

Ngay sau khi Dự án được khởi động, UBND tỉnh đã đặt kỳ vọng phấn đấu đến hết quý II năm 2018, hoàn thành công tác xóa các xóm, bản “trắng điện” trên địa bàn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững; xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX… Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay trong lễ khởi động Dự án, đại diện chủ đầu tư Công ty Điện lực Thái Nguyên cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền Đồng Hỷ từ huyện đến cơ sở đều cam kết sẽ làm tốt công tác phối hợp trong triển khai xây dựng dự án, trong đó chú trọng: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tăng cường đôn đốc, giám sát nhà thầu thi công và quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng công trình theo dự án đã được phê duyệt; sớm đưa công trình vào vận hành, khai thác có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.