Xử lý nợ xây dựng cơ bản: Cách nào? (Kỳ II)

16:04, 26/10/2016

Trong khi giải pháp duy nhất của các xã là trông chờ vào huyện, còn huyện cũng chủ yếu trông chờ vào tỉnh thì theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, cấp nào để nợ xây dựng cơ bản (XDCB) trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cấp đó phải có trách nhiệm trả. Thực tế này đã và đang khiến nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, loay hoay tìm giải pháp.

Loay hoay tìm giải pháp

 

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trong quá trình thực hiện Chương trình XDNTM là một nhiệm vụ quan trọng được huyện đặt ra trong giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, huyện ưu tiên trả nợ cho 100% các công trình đã hoàn thành và quyết toán, tiếp đến là những công trình hoàn thành nhưng chưa quyết toán và công trình chuyển tiếp; chỉ khởi công mới các công trình khi đã cân đối được nguồn vốn, bảo đảm thời gian từ lúc khởi công đến khi hoàn thành không quá 3 năm. Cùng với đó, huyện tiếp tục quán triệt đến tất cả các xã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, quy định về quản lý đầu tư XDCB; tăng cường công tác quản lý, rà soát, cân đối nguồn vốn nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải gây nợ đọng XDCB; thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát, triển khai quy hoạch các khu dân cư, tổ chức bán đấu giá để tạo nguồn vốn đầu tư và trả nợ các công trình, chương trình, đề án triển khai trên địa bàn huyện. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư vào huyện; tăng cường huy động nguồn hỗ trợ của các đơn vị và đóng góp của nhân dân trên địa bàn để XDNTM.

 

Ông Hoàng Duy Hưng cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên thì rất cần sự tăng cường nguồn lực đầu tư của tỉnh cho các địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh cũng tạo điều kiện để các huyện được chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tỉnh cấp hàng năm theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 26-8-2015 của HĐND tỉnh để trả nợ các công trình do cấp huyện, xã làm chủ đầu tư. Bởi trong khi số nợ do địa phương làm chủ đầu tư còn chưa đủ trang trải, mà lại phải dành một phần nguồn vốn trả cho các công trình do tỉnh làm chủ đầu tư sẽ càng khiến các địa phương gặp khó khăn. Hiện nay, ngoài số nợ 61 tỷ đồng NTM, Phú Lương còn nợ XDCB từ các công trình khác 53 tỷ đồng. Trong khi theo tính toán, giai đoạn 2016-2020, Phú Lương chỉ được tỉnh cấp khoảng 78 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án. Với số tiền này, huyện có kế hoạch dành 36 tỷ đồng để trả nợ, số còn lại để khởi công mới 9 công trình, trong đó chủ yếu là trường học, bởi đây là những công trình rất cấp bách…

 

Cũng có chung nhiều giải pháp như Phú Lương, theo ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình thì huyện đang và sẽ tiếp tục quán triệt đến các xã thực hiện tốt Luật Đầu tư công, đặc biệt lưu ý đến điều kiện khởi công các dự án mới, phải có từ ít nhất 35% vốn trở lên mới cho lập dự án. Cùng với đó, huyện sẽ siết chặt công tác thẩm định dự án, cương quyết từ chối những dự án không bảo đảm các yêu cầu theo quy định… Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường công tác thu ngân sách, khai thác triệt để mọi nguồn thu, đặc biệt là thu cấp quyền sử dụng đất để thanh toán các khoản nợ, nhất là nợ XDCB. Riêng năm 2016, huyện phấn đấu vượt thu khoảng 15 tỷ đồng, trong đó có 5 tỷ đồng từ thu cân đối, khoảng 10 tỷ đồng từ tiền đất. Đồng chí Hoàng Thanh Giao cũng đề nghị: Trong tổng nợ 132 tỷ đồng XDCB hiện nay của huyện, có gần 40 tỷ đồng thuộc về các dự án, công trình do UBND tỉnh làm chủ đầu tư. Nếu số nợ này được tỉnh trả thì gánh nặng của huyện sẽ giảm đi đáng kể và như thế, trong khoảng 2-3 năm tới, huyện mới có thể đưa mức nợ về tầm kiểm soát, từ đó mới có điều kiện đầu tư những công trình cấp thiết khác.

 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương (Phú Lương), để giải quyết nợ đọng XDCB, xã chỉ có thể tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân 8 xóm còn nợ sớm nộp đủ tiền đối ứng. Số còn lại chỉ biết trông chờ vào huyện, bởi số thu ngân sách hàng năm của xã chỉ đạt trên dưới 250 triệu đồng.

 

Không chỉ các xã đã “về đích” NTM còn nợ đọng XDCB, mà ở nhiều xã đang chuẩn bị “về đích” cũng có những khoản nợ không hề nhỏ. Một trong số này phải kể đến xã La Hiên (Võ Nhai). Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã thì tính đến cuối năm 2015, nợ XDCB của xã là trên 10 tỷ đồng, của 6 công trình - đây đều là những công trình được UBND huyện chấp thuận chủ trương đầu tư. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã cũng đang triển khai thêm một số công trình nhưng do huyện làm chủ đầu tư nên không phát sinh nợ mới. Có nhiều công trình đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014 nhưng đến nay vẫn bị nợ. Điều này gây nhiều khó khăn cho cả địa phương và nhà thầu. Các nhà thầu liên tục gọi điện đòi nợ trong khi xã chỉ có thể hứa khi nào huyện cấp kinh phí sẽ trả. Bà Vũ Thị Bích Liên lo lắng nếu xã không được cấp trên bố trí nguồn để trả nợ thì rất có thể chính quyền xã sẽ bị nhà thầu khởi kiện.

 

Được biết, xuất phát từ thực trạng nợ XDCB trên địa bàn tỉnh thời gian qua và trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã có tờ trình xin ý kiến các huyện, thành, thị và các sở, ngành liên quan về quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ nâng mức hỗ trợ đối với các xã đăng ký “về đích” từ 2 lên 4 tỷ đồng/xã/năm; nâng mức tỷ lệ hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước tối đa từ 80 lên 95% tổng dự toán công trình (hoặc tổng mức đầu tư) đối với các xã đặc biệt khó khăn… Nếu mức quy định này nhận được sự đồng thuận cao của các ngành, địa phương và được HĐND tỉnh thông qua thì đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp giảm gánh nặng cho cả người dân và chính quyền các địa phương. Và như thế thì việc XDNTM trong thời gian tới mới có thể không làm phát sinh thêm nợ mới, nợ xấu và không huy động sức dân quá mức như chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh. Đồng thời từ đó Thái Nguyên phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 70% số xã trở lên đạt chuẩn NTM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.