Nghịch lý chợ bỏ không, hàng vỉa hè hút khách

08:19, 08/12/2016

Mặc dù đã có doanh nghiệp đứng ra đầu tư, xây dựng hệ thống siêu thị để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, học sinh sinh viên. Tuy nhiên, tình trạng bán hàng tràn lan xuống lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông vẫn thường xuyên diễn ra ở “chợ sinh viên” thuộc tổ 10, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên.

Chúng tôi có mặt ở “chợ sinh viên” lúc 16 giờ 30 phút. Vì vào giờ tan tầm nên rất đông sinh viên đi chợ mua sắm. Hàng quần áo, rau, thịt nướng, trà đá... bày tràn xuống lòng đường. Những xe bán hoa quả di động giữa lòng đường khiến cho giao thông đoạn đường trên thường xuyên bị cản trở. Chưa hết, nhiều hàng cá còn mổ cá và đổ nước thẳng ra đường khiến cho mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mọi chỗ trống đều được tận dụng để căng bạt, ô dù... Bạn Đỗ Thị Thảo, sinh viên Khoa Văn K50 (Trường Đại học Sư phạm) nói: Em hay xem hàng quần áo ở ngoài đường chứ cũng chưa vào chợ gần đó mua bao giờ vì mua ở ngoài này tiện hơn và không mất công gửi xe.

 

Ông Trần Văn Đông, Đội phó Đội trật tự xây dựng và giao thông thành phố cho biết: Chúng tôi có một tổ từ 5-7 người thường xuyên nhắc nhở, xử phạt đối với những hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt thì họ chấp hành, khi chúng tôi vừa đi khỏi thì họ lại tái diễn việc buôn bán lấn chiếm lòng đường nên không thể xử lý triệt để. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, chủ quầy hàng quần áo nói: Vẫn biết là vi phạm nhưng tôi vẫn phải bán hàng để kiếm sống. Bán ở ngoài này còn có khách hỏi mua chứ vào trong chợ thì không thể bán được vì không có chỗ gửi xe cho khách. Ở đây, nhìn thấy hàng là khách vào xem luôn.

 

Tầng 2 của Công ty TNHH Phương Nhung hiện tại vẫn bỏ trống, không có tiểu thương thuê quầy.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây có một khu chợ tập trung để cho các hàng quán vào đó buôn bán. Tuy nhiên, do chợ được xây dựng đã lâu, lều quán xuống cấp, không đảm bảo. Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương cũng như nhu cầu mua sắm của người dân và học sinh, sinh viên, Công ty TNHH Phương Nhung (tổ 1, phường Gia Sàng) đã đầu tư 110 tỷ đồng để xây dựng hệ thống siêu thị, văn phòng, kết hợp với kinh doanh chợ truyền thống. Sau hơn 1 năm xây dựng, đầu năm 2016, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên khu đất có diện tích khoảng 1.500m2 gồm 3 tầng, mỗi tầng rộng trên 1.000m2, có đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, phòng chống cháy nổ...

 

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, không khí mua bán trong khu chợ truyền thống lại diễn ra khá ảm đạm. Hiện tại, tầng hầm chỉ có một số hàng thịt, rau, đậu. Ở tầng 1, có khoảng 25 gian hàng thì chỉ có chưa đến một nửa số gian hàng đã được các tiểu thương thuê quầy để bán quần áo, giày dép, chăn đệm (chủ yếu là các gian hàng có mặt tiền quay ra phía đường). Khách vào hỏi mua hàng gần như không có (mặc dù đang vào giờ sinh viên tan học). Còn lại những gian hàng ở phía trong đều vẫn để trống, không có người thuê. Chị Nguyễn Thị Nhận, một tiểu thương bán quần áo cho biết: Tôi bán hàng cả ngày có khi chẳng có khách nào. Hàng quán thì ế ẩm mà tiền thuê quầy, tiền thuế, điện nước vẫn phải đóng hàng tháng, hàng năm... Tôi đang thanh lý hàng để tìm chỗ khác bán chứ bán ở đây thì lỗ vốn. Đi lên trên tầng 2, chúng tôi thấy tầng này vẫn đang bị bỏ trống hoàn toàn. Còn tầng 3 là một phòng tập GYM chỉ lác đác có vài người khách. Ông Đoàn Thế Hưng, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Phương Nhung thông tin: Trước đây cũng có người đến thuê quầy để bán hàng ở tầng 2 nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bỏ vì không có khách. Công ty chúng tôi xác định sẽ thu hồi vốn trong 14 năm nhưng với tình trạng tiểu thương thuê quầy ít như hiện nay thì có lẽ là không thể.

 

Thực trạng chợ xây khang trang mà không có người vào kinh doanh, buôn bán, trong khi ngoài đường thì hàng quán tràn lan gây cản trở giao thông đang diễn ra khá phổ biến không chỉ ở tổ 10, phường Quang Trung mà đó còn là thực trạng chung của nhiều chợ trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Có thể thấy một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chợ cóc, chợ tạm mọc tràn lan là do thói quen mua sắm của người dân “tiện đâu mua đấy” đã vô tình khiến cho các chợ cóc mọc lên nhan nhản. Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, vận động người dân vào chợ buôn bán để đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Tránh tình trạng chợ xây xong gần như bỏ trống trong khi người bán hàng ngoài vỉa hè ngày một nhiều, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.