Làm đường bê tông nông thôn: Bài học từ xã Nga My

09:35, 15/02/2017

Thời gian qua, Báo Thái Nguyên đã nhận được đơn của một số hộ dân ở xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình) phản ánh về việc đoạn đường từ Trạm Y tế xã đến cổng hai trường: Tiểu học và THCS Nga My có chủ trương đổ bê tông từ năm 2014, 90% số hộ dân trong xóm đã nộp tiền đóng góp đối ứng, song đến nay địa phương vẫn chưa triển khai. Một số hộ dân do khó khăn nên chưa đóng góp tiền đối ứng làm đường, khi đến UBND xã xin xác nhận các loại giấy tờ đã bị lãnh đạo xã “ách lại”...

Cũng theo đơn phản ánh, các trường hợp không nộp tiền đối ứng nên không được xác nhận vào các loại giấy tờ đều do ông Lưu Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã thực hiện. Hơn nữa, ông Lưu Hữu Thọ còn có thái độ cửa quyền, hách dịch với người dân. 

 

Qua làm việc với lãnh đạo UBND xã Nga My, chúng tôi được biết:  đầu năm 2014, xã triển khai đổ bê tông tuyến đường từ Trạm Y tế xã đi xóm Kén và 4 xóm miền An Châu gồm: xóm Trại, xóm Cũ, Ngọc Thượng, Ngọc Hạ với tổng chiều dài trên 1 km. Công trình có tổng dự toán trên 1,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân dóng góp đối ứng 20%, do UBND xã làm chủ đầu tư. Theo hồ sơ thiết kế, công trình được chia làm 2 nhánh: Nhánh 1 dài 940,82m, từ cổng Làng nghề Mỹ Nghệ An Châu (sát cổng Trạm Y tế xã) đi qua xóm Kén và 4 xóm miền An Châu. Nhánh 2 dài 76,83m, từ cổng Làng nghề đi về hướng UBND xã Nga My (chưa đến cổng 2 trường học). Công trình đã được khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014. Như vậy, một số hộ dân phản ánh đoạn đường từ Trạm Y tế xã đến cổng hai trường Tiểu học và THCS Nga My chưa được triển khai là không đúng. Sở dĩ có sự phản ánh này là do trong quá trình tuyên truyền, có lãnh đạo xã thông tin không chính xác về độ dài con đường, dẫn đến người dân hiểu sai lệch và không nộp tiền đóng góp đối ứng.   

 

Khi tuyến đường hoàn thành vẫn còn 17 hộ dân chưa đóng góp nên mới có sự thắc mắc giữa người thực hiện đóng tiền nghiêm túc với người chây ỳ. Để tạo sự công bằng giữa các hộ dân, xóm Kén đã có cuộc họp và lập danh sách gửi lên UBND xã và đề nghị lãnh đạo xã vào cuộc, có biện pháp bằng cách: những hộ dân chưa nộp tiền đối ứng nếu ra UBND xã xin xác nhận các loại giấy tờ thì không xác nhận nếu như tiếp tục vận động đóng tiền vẫn không chịu chấp hành. 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nga My cho biết: “Để làm đường, xã đã đề nghị với huyện hỗ trợ vốn đầu tư, song không có nguồn nên huyện cho chủ trương xã mời gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trước. Sau đó, xã tiếp cận được nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh hỗ trợ bằng xi măng. Ban đầu dự kiến nhánh 2 sẽ đổ bê tông từ cổng làng nghề đến hết khuôn viên Văn Chỉ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đoạn đường sân trước và sau cổng làng nghề xã muốn mở rộng từ 3,5m lên 5m, nên đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm xi măng nhưng không được. Vì không có xi măng nên Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cùng Tổ xây dựng của xã đã họp với đại diện 5 xóm và quyết định vẫn mở rộng lên 5m nhưng phải rút ngắn chiều dài con đường là 7m. Đến nay, tuyến đường đã được nghiệm thu, sử dụng, thẩm định quyết toán tài chính. Toàn bộ số tiền 20% đối ứng (nếu thu đủ sẽ là 300 triệu đồng, nhưng hiện mới thu được 162 triệu đồng) các xóm thu được của dân đến đâu đều đã trả cho đơn vị thi công. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: Tất cả những thắc mắc của người dân xóm Kén tôi đã trao đổi trực tiếp với người dân tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thiếu sót là công tác vận động, tuyên truyền chủ trương làm đường của xã, xóm Kén chưa tốt; chưa công khai, minh bạch các khoản thu, chi; thiếu đôn đốc và kiên quyết trong việc thu tiền của dân nên mới để xảy ra sự việc như vậy. Chúng tôi sẽ làm việc với người dân để tiếp tục giải thích cho họ hiểu và vận động các hộ còn lại đóng góp nốt tiền làm đường”.    

 

Về thái độ của ông Lưu Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, chúng tôi đã trao đổi và được biết: Thực hiện ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND xã, những hộ dân chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ tiền đối ứng làm đường, chúng tôi không xác nhận hoặc đóng dấu vào các loại giấy tờ mà phải chuyển cho đồng chí Chủ tịch UBND xã để đồng chí gặp trực tiếp trao đổi, vận động bà con hiểu và tự nguyện đóng góp tiền đối ứng. Song, từ áp lực công việc, trong một lần trao đổi với ông Nguyễn Văn Hợi ở xóm Kén, tôi đã to tiếng tại UBND xã. Sau đó, nhận thấy thái độ và cách cư xử của mình với công dân như vậy là chưa đúng nên tôi đã gặp và xin lỗi ông Hợi.

 

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến một số hộ dân xóm Kén hiểu chưa đầy đủ, sai lệch về xây dựng tuyến đường nông thôn ở xã Nga My là do thông tin của một số lãnh đạo xã chưa chính xác. Việc ra chủ trương không xác nhận các loại giấy tờ liên quan đến quyền lợi người dân khi chưa nộp tiền đối ứng làm đường của UBND xã Nga My là không đúng, gây bất bình trong nhân dân. Sự việc xảy ra ở xã Nga My là bài học cho các địa phương khác trong quá trình huy động đóng góp của nhân dân khi xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Riêng đối với một số hộ dân của xóm Kén, nên có ý thức về trách nhiệm công dân, cần nghĩ đến cộng đồng và lợi ích to lớn của con đường mang lại, vì đây là ước mong ngàn đời của người dân nay mới trở thành hiện thực. Không nên “vin cớ” vào lãnh đạo xã “nói một đường làm một nẻo” để chây ỳ không chịu đóng góp, trong khi đó lãnh đạo xã đã giải thích và số tiền không lớn (chỉ có 100 nghìn đồng/nhân khẩu).